(ĐSPL) – Bị kỳ thị ngay trong chính gia đình và nhà trường, bị cả xã hội xa lánh và coi như không tồn tại, những người chuyển giới vẫn nuốt nước mắt vào trong và cố gắng sống tiếp.
Bị cô giáo “bêu” trước lớp để châm chọc, mỉa mai
Đó có lẽ là một kỷ niệm buồn không thể nào quên, và sẽ theo cậu sinh viên Hà Duy Linh đến suốt cuộc đời.
Hà Duy Linh hiện là sinh viên của một trường Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. “Trong khoảng thời gian đi học từ năm 2013, em thường xuyên bị các thầy cô kỳ thị. Thậm chí, có một cô giáo thường xuyên gọi tên em lên trước lớp để châm chọc, thậm chí trong giờ học, cô còn cầm tay em kéo mạnh lên trước lớp và nói: “Tôi hỏi cả lớp bạn này là nam hay nữ, hay không xác định? Tôi nghĩ cần phải cho bạn này đi khám, vì nếu lớp tôi mà có một sinh viên như thế này thì cũng bị ảnh hưởng”… Lúc ấy, em chỉ muốn chạy vùng khỏi lớp học để thoát khỏi sự mỉa mai của cô giáo, và ánh mắt đầy hoài nghi của các bạn. Câu nói đầy cay nghiệt của cô giáo như vết dao cứa vào tim em thêm một lần nữa. Đó có lẽ là một nỗi đau theo em đến suốt cuộc đời”.
Trong lớp học, khi các bạn biết giới tính thật của Linh (Linh có giới tính sinh học là con trai, nhưng xét về bản dạng giới, trong trí não của mình, Linh luôn nghĩ và mong muốn mình là con gái), các bạn nữ trong lớp đều xa lánh vì sợ hãi nên Linh chỉ có thể chơi được cùng với các bạn nam.
Nhắc lại thêm một kỷ niệm buồn trong kỳ thi học kỳ, Linh ngậm ngùi: “Hôm đi thi cuối kỳ cô giáo còn nhất định không cho em vào thi vì lý do em ở ngoài không giống với trong chứng minh thư, dù giải thích thế nào cô cũng không đồng ý, chỉ đến khi bạn lớp trưởng đến có ý kiến cô mới cho vào thi”.
Đó là chuyện trên giảng đường. Còn ở nhà, Linh cũng chẳng sung sướng, hạnh phúc hơn. Ở quê, họ không chỉ kỳ thị Linh, mà còn kỳ thị cả gia đình Linh.
“Ở quê, khi mọi người biết sự thật thì em bị cô lập, gia đình em cũng xuống cấp trầm trọng vì bị kỳ thị. Một ông bí thư huyện còn nói với bố mẹ em rằng, không được để em “người không ra người, ma không ra ma như thế” – Linh tâm sự.
Không cơ sở y tế nào giúp đỡ, phải tự tiêm hooc-mon
T. Nguyên năm nay 17 tuổi, nhưng em đã sớm phát hiện ra mình không giống như bạn bè cùng trang lứa. Mang hình dáng của một cô gái, nhưng Nguyên luôn khao khát được sống với thân phận của một người con trai. Vì vậy, Nguyên đã chủ động tìm đến một bác sĩ đầu ngành về giới tính. Khi gặp bác sĩ, em đã bày tỏ mang muốn được sống đúng như bản dạng giới của mình, nhưng hình như không ai hiểu em, những người bác sĩ ấy bảo rằng, em không cần phải chữa gì cả, hãy quay lại với tự nhiên và hãy trở về với chính con người của mình.
Rồi khi Nguyên bày tỏ mong muốn sử dụng hooc-mon cho người chuyển giới, các vị bác sĩ kia lại khuyên em sử dụng hooc-mon nữ cho nữ tính lại. Sau những lần như thế, Nguyên cho biết, em thực sự sợ gặp bác sĩ.
Nguyên chỉ mong muốn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của một cơ sở y tế nào đó. |
Chia sẻ về mong muốn lớn nhất của mình, Nguyên cho biết: “Em chỉ có một khao khát, đó là những người như chúng em sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các cơ sở y tế. Cho đến nay, không có bất cứ một cơ sở y tế nào chấp nhận những người như chúng em, nên hầu như chúng em phải tự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Có người phải tự tiêm hooc-mon nhưng không may tử vong vì tiêm quá liều.
Bản thân em, để được sống với giới tính thực của mình, em cũng đã mua thuốc, mua hooc-mon và cả xi-lanh để tiêm… Tuy nhiên, thực sự là em rất sợ nên vẫn chưa dám làm gì cả. Em muốn được một người có chuyên môn giúp em nhưng không có bất cứ ai đồng ý”.
Về gia đình, Nguyên cho biết, gia đình em cũng như những gia đình của nhóm người chuyển giới đều phải chịu những áp lực rất nặng nề. Như bố mẹ em là một ví dụ, bình thường thì không sao, nhưng nhiều khi chịu tác động quá lớn từ phía xã hội, hay bạn bè, thì họ lại về nói em. Thế nhưng, em vẫn hiểu rằng, bố mẹ em vẫn rất yêu thương em, và vì em, mà chính họ cũng đang bị cô lập giữa xã hội này.
Cuộc sống địa ngục
Đó là một câu chia sẻ thật lòng nhưng đầy chua chát của N.Lịch, một sinh viên giỏi của một trường ĐH quốc tế.
Lịch sinh ra vốn là một cô gái, thế nhưng đến lớp 7 thì Lịch đã muốn thể hiện như một người con trai. Lúc ấy bố mẹ em không hề để ý vì nghĩ em còn nhỏ nên thế, lớn lên rồi em sẽ thay đổi.
Nhưng trong một lần cãi nhau với bố mẹ, Lịch đã tự công khai tất cả. Ngay sau đó, bố mẹ em bắt em đi chữa hết chỗ này đến chỗ kia, rồi mời cả lang băm, thầy cúng về chữa bệnh cho em.
“Khoảng thời gian sau đó em sống như trong địa ngục. Nhưng cũng chính vì thế, em tâm niệm mình phải học thật giỏi để mọi người có cái nhìn khác về mình. Em lao vào học tập và đỗ thủ khoa của một trường đại học có danh tiếng ở Hà Nội, sau đó em lại du học tại một trường ĐH quốc tế, rồi về làm cho công ty của gia đình” – Lịch chia sẻ.
Tưởng chừng như mọi chuyện êm xuôi, nhưng có những khi, câu nói của mọi người, kể cả những người trong gia đình lại vô tình làm tổn thương em.
Lịch cho biết, nếu pháp luật cho phép thì em sẽ thay đổi, còn không em vẫn sẽ mãi là em. |
“Trong một lần cãi nhau với mẹ, mẹ em nói rằng, mẹ không cần em giỏi giang, chỉ cần em bình thường, vì có bình thường thì mới đi gặp khách hàng, nếu không nhà mình sẽ mất hết đối tác… Câu nói ấy của mẹ làm em suy nghĩ và buồn nhiều lắm” – Lịch ngậm ngùi chia sẻ.
Nghĩ về tương lai, Lịch cho biết, em chỉ muốn được sống đúng với giới tính thật của mình, bên cạnh đó, em cũng mong chính phủ và nhà nước sẽ ban hành các chính sách bảo vệ những người chuyển giới như em, để em và những người chuyển giới sẽ nhận được cái nhìn bao dung hơn, không còn nhận sự kỳ thị của xã hội nữa.
“Là một người trong xã hội, em sẽ thực hiện theo đúng pháp luật. Nếu pháp luật cho phép thì em sẽ thay đổi, còn không thì em vẫn cứ mãi là em thôi” – Lịch chia sẻ một cách đầy chua xót.
Dù chúng ta có thừa nhận hay không, thì người chuyển giới vẫn luôn luôn tồn tại trong xã hội, từ cổ chí kim chứ không phải bây giờ mới có. Để được là chính mình, người chuyển giới đang phải đối mặt với rất nhiều bất công và bất bình đẳng, khiến họ bị rơi vào tình cảnh trầm cảm, tự kỳ thị bản thân.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả mọi khó khăn, ngày càng có nhiều người chuyển giới ở khắp nơi vẫn đang cố gắng sống cuộc sống của mình, nỗ lực vượt qua khó khăn và dũng cảm công khai, thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính như mong muốn, hoặc đơn giản là sống một cuộc sống ý nghĩa theo cách của họ.
Nhiều bậc phụ huynh cũng đang học cách chấp nhận và ủng hộ cho con người thật của con mình, và tự hào về sự trung thực và dũng cảm của con.