Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người chồng hành hung vợ dã man từ dưới nước lên tận bờ ở Tây Ninh có thể bị xử lý thế nào?

(DS&PL) -

Theo nhận định của luật sư, hành động dìm đầu vợ trong bể bơi là vô cùng tàn nhẫn, đáng bị lên án và cần xử lý bằng các chế tài của pháp luật.

Theo nhận định của luật sư, hành động dìm đầu vợ trong bể bơi là vô cùng tàn nhẫn, đáng bị lên án và cần xử lý bằng các chế tài của pháp luật.

Chồng đánh đập vợ từ dưới nước lên tận bờ ở Tây Ninh được camera ghi lại. Ảnh: Cắt từ video 

Liên quan đến vụ người đàn ông liên tục đánh, bóp cổ, dìm vợ xuống nước dã man ở Tây Ninh, dưới góc độ pháp lý, trả lời PV báo Đời Sống & Pháp Luật, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, những vụ việc bạo hành, bạo lực gia đình ở Việt Nam diễn ra không ít. Nhiều người phụ nữ vẫn phải chịu cảnh đánh đập, hành hạ từ chính người “đầu gối, tay ấp” với mình.

Tuy nhiên vụ việc người đàn ông đánh vợ, quăng quật, bóp cổ, nhấn chìm vợ trong bể bơi, đánh đập tàn bạo trước mặt đứa con nhỏ...  đang gây phẫn nộ trong cộng đồng xã hội bởi hành động vô cùng tàn nhẫn và hoàn toàn có thể gây thương tích, thậm chí thiệt mạng cho nạn nhân. Dù nạn nhân không chết, thương tích có thể không lớn nhưng hành vi côn đồ đó sẽ tổn thương rất lớn về tâm lý và sức khỏe cho người phụ nữ bất hạnh này.

Theo nhận định của luật sư Cường, hành vi này không chỉ đáng bị lên án mà cần phải xử lý nghiêm bằng các chế tài của pháp luật.

Với hình ảnh, thông tin đã được cơ quan báo chí đăng tải thì chắc chắn cơ quan điều tra sẽ vào cuộc, xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ và làm rõ hậu quả để có hình thức xử lý theo quy định pháp luật.

Hành vi bóp cổ, dìm xuống nước nhiều lần như vậy có thể dẫn đến thiệt mạng cho nạn nhân bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ ý thức chủ quan của người đàn ông này: có ý định giết vợ hay không? Video đăng tải chỉ là một phần của sự việc, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ, diễn biến và hậu quả.

Ngoài ra, nếu có tài liệu chứng cứ, có căn cứ chứng minh rằng người đàn ông này có ý định giết người, việc nạn nhân không chết là nằm ngoài ý thức chủ quan của đối tượng thì có thể xem xét xử lý đối tượng này về tội giết người (phạm tội chưa đạt) theo Điều 123 Bộ luật hình sự kể cả trường hợp nạn nhân không thiệt mạng.

Trong quá trình xác minh tin báo, cơ quan điều tra cũng sẽ trưng cầu giám định thương tích đối với nạn nhân. Trong trường hợp không chứng minh được hành vi có thể dẫn đến chết người, không có mục đích giết người nhưng nạn nhân có thương tích thì vẫn có thể xử lý hình sự với đối tượng này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP.Hà Nội. 

Đồng thời, luật sư Cường cũng nhận định, trường hợp thương tích của nạn nhân không đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, đồng thời hành vi cũng không thỏa mãn dấu hiệu của tội giết người thì vẫn có thể xem xét về tội hành hạ người khác nếu đối tượng này thường xuyên đánh đập vợ mình một cách tàn nhẫn như vậy.

Trong trường hợp người phụ nữ không có đơn tố cáo thì với những thông tin công khai trên báo chí, mạng xã hội như vậy thì cơ quan công an vẫn có thể vào cuộc xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Các tổ chức phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ trẻ em cũng cần phải lên tiếng đấu tranh để đưa người đàn ông này ra pháp luật, phải xử lý bằng các chế tài của pháp luật để răn đe và phòng đưa chung cho xã hội.

Trước đó, trên mạng xã hội đăng tải đoạn video ghi lại hình ảnh người đàn ông liên tục đánh bóp cổ, dìm người phụ nữ xuống nước vô cùng dã man đã gây phẫn nộ dư luận.

Qua xác minh, vụ việc xảy ra tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu (Tây Ninh). Nạn nhân là chị T.T.T.M. (SN 1988, ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu).

Ngày 15/9, chị M. được anh Đặng Văn Phúc, Đội trưởng đội Cứu nạn Giao thông tỉnh Tây Ninh hỗ trợ đưa đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh để kiểm tra sức khỏe.

Tại đây, chị M. cho hay, chị bị chồng đánh nhiều tới mức không nhớ nổi số lần. Những lần bị đánh trước đó, chị thường chọn cách im lặng, không chia sẻ với gia đình và nghĩ đến 2 đứa con còn thơ dại nên cố gắng từng ngày.

Tuy nhiên, cho đến lần bị bạo hành ngày 13/9, chị M. không còn chịu đựng được nữa. Khi xem lại clip, chị không khỏi rùng mình và cảm thấy may mắn khi bản thân còn sống bên cạnh các con.

Chị M. cho biết thêm, người bạo hành chị trong clip chính là chồng chị tên P.C.L (33 tuổi).

Theo đó, tối 13/9, chồng chị M. đi nhậu về và 2 vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, rồi dẫn đến sự việc như clip ghi lại. Đoạn clip do camera nhà chị ghi được. Sau đó, người thân đã bức xúc, cung cấp cho đội Cứu nạn Giao thông Tây Ninh để nhờ được hỗ trợ.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Bộ luật hình sự năm 2015)

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Điều 140. Tội hành hạ người khác (Bộ luật hình sự năm 2015)

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên49 ;

c) Đối với 02 người trở lên.

Thủy Tiên 

Tin nổi bật