(ĐSPL) – “Năm 2001 là thời điểm tôi tuyệt vọng nhất, thậm chí đã từng nghĩ tới cái chết, nhưng nhìn thấy vợ và 2 con, tôi lại quyết tâm phải kêu oan” – ông Bình tâm sự.
Như báo Đời sống và Pháp luật đã đưa tin, sáng 4/4, TAND TP. Hà Nội chính thức tổ chức buổi công khai xin lỗi đối với ông Phạm Đức Bình (SN 1956 – trú tại số 6 ngõ Nguyễn Hữu Huân, phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) – người bị kết án oan sai hơn 10 năm nay.
Vui vì đã chính thức được công khai xin lỗi, nhưng ông Bình cũng không giấu nổi những cảm xúc mà ông đã phải chịu đựng trong suốt hơn 10 năm oan sai.
Trong hơn 10 năm bị án oan, ông Bình đã từng nhiều lần nghĩ tới cái chết. |
Trong những phút giây ngắn ngủi trao đổi với phóng viên trước buổi công khai xin lỗi, ông Bình tâm sự: “Năm 2001 là năm tôi tuyệt vọng và cơ cực nhất, mặc dù được Tòa tuyên vô tội nhưng lúc đó, khi tôi trở lại cơ quan thì lại không được bố trí sắp xếp công việc, nợ nần không thanh toán được, tài sản gia đình bị kê biên, niêm phong. Vào thời điểm ấy, tôi đã từng nghĩ đến cái chết, nhưng nhìn thấy vợ và 2 con như thế, nên tôi quyết tâm phải kêu oan bằng được”.
Trải lòng về những tháng ngày sống trong kiếp oan sai, ông Bình cho biết, chính ông cũng không nhớ đã gửi đi bao nhiêu lá đơn kêu oan. Khi ấy, ông gửi đơn đi khắp nơi nhưng không có ai can thiệp. Trong suốt hơn 10 năm qua, ông bị mất nhà, mất việc, sống lang thang nay đây mai đó, và phải thuê nhà ở không biết bao nhiêu chỗ trên mảnh đất thủ đô. Thậm chí, khi gia đình đã cạn kiệt về tài chính, nhà ông phải sống nhờ ở căn hộ ẩm thấp chỉ vẻn vẹn có 12m2.
Ông Bình làm đơn đề nghị được bồi thường thiệt hại cho những tổn thất to lớn trong suốt 10 năm chịu án oan. |
Trong lá đơn kêu cứu trước đó, ông Bình đã nói rất rõ về án oan sai của mình. Ông trầm ngâm kể lại: “Năm 1992, tôi được đề bạt là Cửa hàng trưởng Cửa hàng Dịch vụ tổng hợp (trực thuộc Công ty Thi công cơ giới xây lắp). Ngày 24/11/1997, công ty có quyết định đình chỉ hoạt động cửa hàng vì kém hiệu quả. Tuy nhiên, 2 ngày sau đó công ty mới tiến hành thanh tra. Bản kết luận thanh tra ngày 15/12/1997 ghi rõ “cửa hàng kinh doanh theo con số báo cáo tổng hợp của đoàn là có lãi, không phải lỗ. Số tiền thất thoát còn nằm ở các khách hàng chưa thanh toán”. Vào đúng thời điểm này, tôi lại bị tai nạn giao thông, vỡ bàng quang, phải nằm viện nhiều tháng. Khi xuất viện thì thấy cửa hàng đã giải thể nên không được đối chiếu sổ sách, không biết những ai đã bán và ai mua hàng. Từ đây, tôi mất tất cả tiền bạc, nhà cửa và công việc, trở thành kẻ trắng tay, lại mang trong mình án oan không ai thấu hiểu”.
Toàn cảnh buổi công khai xin lỗi ông Phạm Đức Bình được tổ chức tại UBND phường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm - Hà Nội) sáng 4/4. |
Cho đến bây giờ, cuộc sống của gia đình ông vẫn rất khó khăn, bởi tất cả thu nhập chỉ trông chờ vào vài đồng lương của vợ ông là bà Nguyễn Thị Thịnh, nhưng cách đây 3 – 4 năm, bà Thịnh về hưu nên thu nhập chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng. Còn ông Bình thì làm thêm bên ngoài, thu nhập thấp lại không ổn định, thậm chí có tháng chỉ kiếm được 500.000 đồng.
“Cuộc sống khó khăn, lại thêm cảm giác tuyệt vọng, nên ý định tự tử nhiều lần xuất hiện trong đầu tôi. Cũng may, nhờ có vợ con luôn động viên và là động lực, nên tôi đã vượt qua và đòi được công bằng như ngày hôm nay. Giờ đây, tôi chỉ mong sao sẽ sớm được đền bù những tổn thất, thiệt hại to lớn mà tôi đã phải chịu đựng trong hơn 10 năm qua. Đồng thời, tôi cũng mong sẽ không có thêm một ai phải rơi vào hoàn cảnh như tôi nữa, bởi hơn ai hết, tôi thấu hiểu được cảm giác vô vọng khôn cùng khi phải chịu cảnh án oan” – ông Bình chia sẻ.