Theo VietNamNet, không hài lòng về vòng ngực, chị H. (38 tuổi) rất chú ý đến đoạn quảng cáo trên mạng về phương pháp nâng ngực không đau, không phẫu thuật của một spa ở Hà Nội. Sau đó, chị quyết định chi hơn 20 triệu đồng để nâng ngực bằng tiêm filler.
Mới đầu, chị H. thấy ngực có sự khác biệt nhưng sau đó 1 tháng, vùng ngực bắt đầu xuất hiện dấu hiệu bất thường đau và cương lên. Kể từ thời điểm đó, chị liên tục phải sử dụng kháng sinh do cứ dừng thuốc là ngực lại sưng to, đau.
Khi tình trạng ngày càng nặng hơn, chị H. đến khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ Bệnh viện Bưu Điện thăm khám. ThS.BS Hoàng Mạnh Ninh – Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ cho hay, người bệnh nhập viện trong tình trạng hai bên bầu vú bị cương cứng.
Vú trái của bệnh nhân có dấu hiệu hoại tử sắp vỡ, còn vú bên phải bắt đầu có dấu hiệu hoại tử da. Vú hông tròn mà thay đổi biến dạng cứng, da vùng này cũng mỏng dính, đỏ rực. Việc tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc để nâng ngực được thực hiện cách đó 5 tháng.
"Kết quả chụp MRI ngực, thăm khám cho thấy bệnh nhân bị áp xe, hoại tử mô vú 2 bên. Vì vú bệnh nhân bị áp xe nên buộc bác sĩ phải can thiệp tháo rạch chích mủ để làm sạch tổ chức, loại bỏ ổ viêm, hoại tử và filler không rõ nguồn gốc", BS Ninh nói.
Th.BS Hoàng Mạnh Ninh (bên phải) xử lý tổn thương cho bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet
Người bệnh được mổ xử lý tổn thương vào chiều ngày 27/9. Sau mổ, bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh theo phác đồ điều trị, hàng ngày thay băng. Người bệnh hiện tiếp tục được theo dõi ở bệnh viện, tuy nhiên, với những trường hợp biến chứng do tiêm filler, cần phải theo dõi một thời gian dài mới có thể ổn định, nhiều trường hợp đôi khi tái đi tái lại.
Chia sẻ với Infonet, TS.BS Vũ Thái Hà – Trưởng khoa Nghiên cứu & Ứng dụng công nghệ tế bào nói tiêm chất làm đầy (filler) vẫn đứng hàng thứ hai trong các thủ thuật thẩm mỹ vì sự thuận tiện, thời gian nghỉ không có, trong khi kết quả thấy ngay, đặc biệt hiện nay chất làm đầy chủ yếu là HA có thuốc để giải.
Thế nhưng, sự xuất hiện tràn lan các dịch vụ tiêm ở khắp nơi, người tiêm chưa học về kỹ thuật tiêm, nhất là còn chưa học y một phút nào, sự tin tưởng mù quáng của khách hàng làm cho tỷ lệ tai biến ở Việt Nam quá nhiều.
Liên quan đến vấn đề tiêm filler làm đẹp, báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú – Trưởng khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết tiêm chất làm đầy là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm về tiêm chất làm đầy để tránh gây tai biến như tắc mạch, hoại tử da, loét da, áp xe…
Theo thống kê, trung bình mỗi tháng Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận khoảng 10-15 trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy. Nhiều trường hợp tai biến nặng phải phẫu thuật để lấy hết filler ra, chi phí khá tốn kém và mất nhiều thời gian để phục hồi. Di chứng sau phẫu thuật có thể tạo sẹo xấu và mất mô da gây ảnh hưởng thẩm mỹ.
Để việc tiêm filler đảm bảo an tòa, BS Ánh Tú lưu ý mọi người khi chọn cơ sở thực hiện phải đảm bảo tất cả các yếu tố sau:
- Chất làm đầy phải chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng, được bộ Y tế cấp phép.
- Cơ sở thực hiện phải được cấp phép thực hiện kỹ thuật tiêm filler.
- Người thực hiện phải là bác sĩ da liễu, thẩm mỹ, được đào tạo bài bản về kỹ thuật tiêm chất làm đầy.
- Lựa chọn kỹ thuật tiêm phù hợp.
- Mỗi khu vực có định lượng rõ ràng và tuyệt đối phải đảm nguyên tắc về vô trùng…
Đinh Kim (T/h)