Xưa, nghe tiếng pháo nổ lúc 4h là dân làng Phúc Lâm, xã Phúc Lâm, Mỹ Đức (Hà Nội) biết chủ nhà chuẩn bị xong cỗ cưới nên kéo đến ăn. Nay, chủ nhà chỉ cần thông báo với một người, dân làng truyền tai nhau đến ăn cưới từ 5h sáng.
Mấy hôm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Chiến tất bật chuẩn bị cho cậu con trai Nguyễn Văn Việt lấy vợ. Hàng xóm và người thân giúp ông chuẩn bị cỗ cưới, tiếng băm chặt thịt vang suốt đêm. Để chuẩn bị đủ gần trăm mâm cỗ, nhà ông phải làm từ chiều tối đến tận nửa đêm. Hơn 2h sáng, anh em, họ hàng đã dọn mâm ăn trước để còn chuẩn bị bày biện mâm cỗ kịp cho dân làng đến dự.
"Làng này có tục đi ăn cỗ đám cưới từ lúc gà mới gáy. Tầm 5h sáng là người đến ngồi chật kín cả sân, ăn đến 6h là tan. Đến muộn hơn thì cỗ bàn đã tan cả rồi, chỉ mừng phong bì cho đôi trẻ rồi ra về", ông Chiến cho hay.
Ngôi làng nằm ven sông Đáy có tập tục đi ăn cỗ không bao giờ phải mời. Ảnh: H.P. |
Những người già nhất trong làng cũng không biết tục lệ này có từ bao giờ. Cụ Đàm Thị Xây bỏm bẻm nhai trầu, kể lại chuyện hồi còn bé, sáng tinh mơ còn đang ngái ngủ đã được mẹ giục dậy đi ăn cỗ. Sau này, bà Xây lớn lên lập gia đình, các con bà dựng vợ gả chồng cũng theo lệ làng như thế.
Ngôi làng có hơn 4.000 nhân khẩu chủ yếu làm nông, buôn bán ở chợ. Người dân quan niệm ăn cưới sớm để còn về đi chợ, đi làm, vừa được ăn cỗ, chia vui với chủ nhà mà vẫn không mất việc. Cỗ cưới thường gói gọn trong một ngày, buổi chiều hôm trước và sáng hôm sau rồi đưa đón dâu luôn.
Thời còn khốn khó, mâm cỗ cưới trong làng thường giống y hệt nhau "2 đĩa lòng, 2 đĩa mỡ, một đĩa giả cầy", nhưng giờ thì phải đủ các món. Nhà có điều kiện thì làm cỗ to, nhà khó chỉ cần cỗ bàn đơn sơ. Từ hôm dựng rạp, người làng mỗi người một tay giúp chủ nhà, nên đám cưới ở Phúc Lâm không bao giờ phải thuê người nấu cỗ.
Ngôi làng nằm ven đê sông Đáy này còn có lệ đi ăn cưới không cần mời, biết có đám cưới là người làng tự đến ăn cỗ. Ngày trước, khi chuẩn bị cỗ bàn xong xuôi, chủ nhà chỉ việc đốt một bánh pháo lúc 4h sáng để thông báo cho cả làng biết cỗ bàn đã chuẩn bị xong xuôi, dân làng cứ việc đến ăn. Nay tục đốt pháo không còn, người làng Phúc Lâm chuyển sang thông báo bằng cách truyền tin cho nhau biết.
Nghe tin chủ nhà dựng vợ, gả chồng cho con cái, người làng chỉ hỏi: "Hôm nay có mở (cỗ bàn) không?". Chủ nhà vui vẻ trả lời: "Mở tung tóe". Vậy là dân làng loan tin cho nhau biết mà mang phong bì đến mừng. Còn nếu gia chủ chỉ muốn tổ chức nhỏ, ăn trong nội bộ gia đình thì cũng đánh tiếng trước, dân làng tự biết ý không đến, chẳng ai chê trách gì.
"Thiệp hồng chỉ dành để mời người thiên hạ, riêng người làng này thì không phải mời cũng vẫn đi. Không những đám cưới mà ăn tân gia, hiếu hỷ cũng thế, dân tự đến chung vui, chia buồn cùng nhau", cụ Xây cho biết.
Người Phúc Lâm quan niệm, sống cùng làng với nhau như nước ở trong một giếng. Không ai bắt phải thế nhưng sống lâu rồi thành quen với tập tục của làng. Vào những ngày nhiều đám cưới trùng nhau, người trong nhà phân công đi ăn cưới, không có chuyện đi đám nhà này mà bỏ đám nhà kia.
Trong đám cưới, trai làng thường kênh rồi tung chú rể lên, vừa là chúc mừng chú rể lấy được vợ, vừa thể hiện mong muốn từ nay, người đàn ông có thể vững vàng đối mặt với khó khăn khi bắt đầu cuộc sống gia đình. Ảnh: H.P. |
Giờ đưa đón dâu cũng là lệ bất thành văn ở ngôi làng này. Nếu trai gái làng lấy nhau thì đi lúc 9h về 10h sáng, lấy người nơi khác đi 13h về 14h. Nhà nào cưới vợ lấy chồng ở xa hơn trăm cây số thì đón đưa từ lúc 3h sáng cho kịp giờ lành. Người làng khác về làm dâu, rể Phúc Lâm sống lâu cũng thành quen với lệ làng. Con gái làng đi lấy chồng không bao giờ thách cưới nhà trai ở những nơi khác, bên nhà chú rể muốn góp bao nhiêu thì tùy.
Ông Dương Văn Thọ, cán bộ văn hóa xã, cũng là người làng Phúc Lâm, tự hào về truyền thống của làng: "Các làng khác trong xã như Chân Chim, Khảm Lâm, Phù Yên vẫn gửi thiệp và đi ăn cưới vào buổi trưa hoặc chiều như bình thường. Làng tôi cứ xuề xòa, đơn giản vậy thôi, nhưng tình làng nghĩa xóm ở đây lúc nào cũng bền chặt. Lệ làng từ xưa đã thế, không người dân nào muốn thay đổi".
Linh Chi (theo VnExpress)