“Các đồng minh của chúng tôi không yêu cầu chúng tôi bắt đầu đàm phán với Nga để đóng băng xung đột, kể cả khi chúng tôi gặp các phái đoàn (phương Tây) cũng như tại các cuộc họp kín”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói trong cuộc phỏng vấn báo El Pais của Tây Ban Nha hôm 8/1.
Theo ông Kuleba, những người đề xuất đóng băng xung đột lập luận rằng họ đang hành động vì lợi ích tốt nhất của Ukraine và thế giới, nhưng trên thực tế, họ đang giúp đỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin và không quan tâm xem nước Nga hiện nay như thế nào.
Ngoại trưởng Kuleba cho hay từ năm 2014 đến năm 2022, Ukraine đã tổ chức gần 200 vòng đàm phán với Nga, cuộc xung đột trên thực tế đã bị đóng băng. Theo ông, Tổng thống Putin không quan tâm đến một cuộc xung đột đóng băng hay hòa bình với Ukraine.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ảnh: Pravda
Ông Kuleba cũng cho biết ông tin tưởng rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ có thể cung cấp cho Ukraine gói viện trợ trị giá 54 tỷ USD đã bị Hungary chặn vào tháng 12 đồng thời nói thêm rằng Ukraine không có "kế hoạch B" nếu không có gói viện trợ này.
Hội đồng Châu Âu dự kiến họp vào ngày 1/2 để thảo luận lại về gói viện trợ này. Nếu được thông qua, khoản tiền này sẽ được giải ngân từ năm 2024 đến 2027. Ngoại trưởng Ukraine tin tưởng rằng một quyết định tích cực sẽ được đưa ra vào tháng 2.
Khi được hỏi liệu Ukraine có phương án dự phòng trong trường hợp gói viện trợ bị chặn hay không, ông Kuleba nói rằng không có phương án B nhưng nhấn mạnh “chúng ta phải dồn toàn bộ sức lực và trí tuệ vào việc biến kế hoạch A thành hiện thực”.
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài và trở thành một cuộc chiến tiêu hao. Đã xuất hiện tâm lý mệt mỏi ở Mỹ và các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev. Nhiều đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa Nga và Ukraine.
Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10/2022 và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra vào cuối năm 2022.
Phương Uyên (Theo Tass và Kyiv Independet)