Báo Dân Trí dẫn thông tin từ AFP cho biết, khi trả lời phỏng vấn truyền thông hôm 17/8, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho hay: "Mục tiêu của chúng tôi là chiến thắng, chiến thắng với hình thức giành lại toàn bộ lãnh thổ trong biên giới được quốc tế công nhận năm 1991”.
“Chúng tôi không quan tâm mất bao lâu. Miễn là người dân Ukraine chia sẻ mục tiêu này, chính phủ Ukraine sẽ chung tay với người dân của mình", ông Kuleba chia sẻ thêm và cho rằng Kiev sẽ cần nguồn cung vũ khí và đạn dược ổn định từ phương Tây cho mục tiêu này.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ảnh: AFP
Chiến dịch phản công của Ukraine bắt đầu vào đầu tháng 6/2023. Kể từ đó, Kiev đã tung nhiều lữ đoàn do NATO huấn luyện và được trang bị vũ khí phương Tây vào chiến dịch phản công. Ukraine tuyên bố "thành công một phần" trong chiến dịch và lực lượng của họ đang tiến lên mỗi ngày, cũng như tái kiểm soát một số ngôi làng.
Nước này từng được kỳ vọng có thể lặp lại thành tích như trong chiến dịch phản công chớp nhoáng hồi cuối năm ngoái, giúp họ giành lại Kharkov và thành phố Kherson. Nhiều người cho rằng cùng với nhiều vũ khí hiện đại được phương Tây viện trợ, Ukraine có thể nhanh chóng xuyên thủng phòng tuyến Nga.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế trên chiến trường không như kỳ vọng. Ngày 9/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 9/8 đã thừa nhận rằng cuộc phản công không thuận lợi và "có lẽ diễn ra chậm hơn" so với kỳ vọng của một số người.
Theo nhận định của giới chức Ukraine, tốc độ phản công chậm hơn dự kiến do phải đối mặt với thách thức từ hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga.
Dù vậy, Ngoại trưởng Kuleba khẳng định Kiev không chịu sức ép từ các đồng minh, đối tác phương Tây về việc phải tăng tốc độ phản công. "Chúng tôi không cảm thấy điều đó", ông Kuleba trả lời phỏng vấn AFP ngày 16/8, đề cập áp lực nước này phải đẩy nhanh chiến dịch phản công lực lượng Nga, theo thông tin trên VnExpress.
Thế nhưng, ông thừa nhận "các nhà bình luận và chuyên gia đang ngày càng thảo luận nhiều hơn" về tốc độ tiến quân của lực lượng Ukraine ở mặt trận miền Đông và Nam đất nước.
XEM THÊM: Nhà Trắng lên tiếng về đề xuất Ukraine nhượng bộ lãnh thổ để gia nhập NATO
Hiện tại, Nga đang kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine. Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Bốn tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia cũng sáp nhập vào Nga theo hình thức tương tự hồi năm 2022.
Giới chức Ukraine cho biết, tốc độ phản công chậm hơn dự kiến do phải đối mặt với thách thức từ hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga. Ảnh minh họa: NY Times
Moscow nói rằng, chiến dịch phản công của Ukraine đã thất bại với tổn thất nặng nề. Hôm 15/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tiết lộ, nguồn lực quân sự của Ukraine gần như đã cạn kiệt, trong khi vũ khí Nga "chứng minh tính ưu việt".
Trong khi đó, hồi đầu tháng 8/2023m Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội Ukraine thiệt hại tới hơn 43.000 binh sĩ và 4.900 phương tiện chiến đấu sau 2 tháng phản công.
Đinh Kim (T/h)