Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ngoại trưởng sắp tới Bắc Kinh, 2 nghị sĩ Mỹ trình dự luật trừng phạt Trung Quốc

(DS&PL) -

Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio của đảng Cộng hòa và Ben Cardin của đảng Dân chủ ngày 16/3 đã trình Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông...

Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio của đảng Cộng hòa và Ben Cardin của đảng Dân chủ ngày 16/3 đã trình Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông, theo đó sẽ trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia vào các hoạt động phi pháp của nước này ở hai vùng biển.

Dự luật trừng phạt cứng rắn

Ông Rubio, một thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương, nói: “Hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa an ninh khu vực và thương mại Mỹ. Những hành vi vi phạm quy tắc quốc tế liên tục và trắng trợn này không thể không bị kiềm chế, và các biện pháp trừng phạt được kêu gọi trong dự luật này sẽ khiến Trung Quốc thấy rằng Mỹ nghiêm túc và sẽ khiến những bên vi phạm phải chịu trách nhiệm”.

Ông Rubio đăng ảnh công trình xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông lên Twitter kèm thông báo về mục đích dự luật.

Về phần mình, thượng nghị sĩ Cardin, thành viên cấp cao thứ nhì Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói: “Đối mặt với các hành động này, Mỹ phải thể hiện rõ ràng thái độ liên quan tới lợi ích quốc gia lâu dài của chúng ta trong dòng chảy tự do thương mại, tự do hàng hải và giải quyết bất đồng một cách ngoại giao, hòa bình, nhất quán với luật pháp quốc tế. Chúng ta sẽ bảo vệ lợi ích của mình và của đồng minh, đối tác, đồng thời duy trì trật tự dựa trên quy tắc cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dự luật này là công cụ mới quan trọng và là lựa chọn cho chính sách của Mỹ trong khu vực. Tôi vui mừng cùng thượng nghị sĩ Rubio tham gia vào nỗ lực này”.

Nếu được thông qua, dự luật sẽ có các điều sau: Thứ nhất, yêu cầu tổng thống Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt và cấm thị thực với các cá nhân, thực thể Trung Quốc đóng góp vào quá trình xây dựng hoặc các dự án phát triển phi pháp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông; những cá nhân đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở hai vùng biển này.

Thứ hai, áp đặt biện pháp trừng phạt với các thể chế tài chính nước ngoài cố tình thực hiện hoặc hỗ trợ giao dịch tài chính quan trọng cho các cá nhân, thực thể bị trừng phạt.

Thứ ba, báo cáo về các cá nhân, thực thể tham gia vào các hoạt động có thể bị trừng phạt, trong đó có một số nhân viên của các công ty Trung Quốc.

Thứ tư, cấm xuất bản tài liệu nói rằng Biển Đông và Biển Hoa Đông là một phần của Trung Quốc, cấm đầu tư vào hai vùng biển này và cấm công nhận sáp nhập hai vùng biển vào Trung Quốc.

Thứ năm, hạn chế nước ngoài hỗ trợ các nước công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở hai vùng biển nói trên.

Dụng ý của ông Rubio

Thực ra, một phiên bản của dự luật này đã được ông Rubio trình hồi tháng 12/2016. Theo trang qz.com, thời điểm ông Rubio chọn để lật lại dự luật khiến người ta tò mò.

Ông Rubio được coi là người quan tâm theo dõi tình hình Biển Đông.

Tại thời điểm này, ngoài sự kiện Trung Quốc đã bắt đầu các công trình xây dựng mới ở Biển Đông, còn có sự kiện Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rục rịch chuẩn bị cho chuyến công du quan trọng đầu tiên tới châu Á. Trong đó, điểm dừng chân quan trọng nhất sẽ là Bắc Kinh ngày 18/3 tới.

Tại đây, ông Tillerson hi vọng thuyết phục Trung Quốc về các vấn đề Triều Tiên, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ đang triển khai ở Hàn Quốc. Ngoài ra, vấn đề căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ được đưa ra.

Hiện văn phòng của ông Rubio chưa trả lời về thời điểm đưa ra dự luật trừng phạt Trung Quốc. Tuy nhiên, theo qz.com, các nhà phê bình cho rằng việc ông Rubio chọn thời điểm ông Tillerson sắp tới Trung Quốc để trình lại dự luật là vì muốn gây sự chú ý và vì ông Rubio công khai tỏ ra hoài nghi về ông Tillerson.

Việc trình dự luật vào thời điểm này sẽ tạo ra bất lợi cho ông Tillerson trong chuyến công du. Tuy nhiên, trang qz.com cho rằng điều mà ông Rubio thực sự quan tâm không phải là “làm khó” ông Tillerson mà điều quan trọng hơn là ông muốn truyền đi một thông điệp rằng Mỹ chưa quên việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết khu vực Biển Đông và Mỹ đã sẵn sàng hành động.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần như trọn vẹn Biển Đông thông qua "đường 9 đoạn" bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Haye (Hà Lan) tháng 7/2016 nói rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và lịch sử cho tuyên bố đó. Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết và tiếp tục củng cố quan điểm, mở rộng các đảo nhân tạo phi pháp.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là "bất hợp pháp và vô giá trị".

Tin nổi bật