Trả lời phỏng vấn truyền thông hôm 23/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông tin: “Ukraine đã lấy lại được khoảng 50% những gì để mất ban đầu”. Dù vậy, ông nhấn mạnh rằng chiến dịch phản công của Kiev vẫn ở giai đoạn đầu và gặp nhiều thách thức.
"Đây vẫn là những ngày tương đối sớm của chiến dịch phản công. Nó rất khó khăn. Mọi việc chưa thể ngã ngũ trong một hai tuần tới. Chúng tôi nghĩ sẽ phải chờ nhiều tháng nữa”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Hy vọng Ukraine có thể nhanh chóng đẩy lùi lực lượng của Nga sau khi triển khai chiến dịch phản công đang mờ dần, khi lực lượng của Kiev vấp phải các lớp phòng thủ kiên cố của Moscow ở phía Đông và Nam đất nước.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận, cuộc phản công của quân đội nước này chậm hơn so với dự kiến, tuy nhiên, Kiev không chịu bất cứ sức ép nào phải đẩy nhanh tốc độ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Zelensky tiết lộ từng muốn khởi động cuộc phản công này sớm hơn trong mùa xuân năm nay, song chiến dịch đã bị hoãn do thiếu vũ khí.
"Chúng tôi thực sự đã có kế hoạch khởi động phản công trong mùa xuân. Tuy nhiên chúng tôi không làm bởi thực tế mà nói, chúng tôi không đủ đạn dược và vũ khí, không đủ những lữ đoàn được đào tạo bài bản để sử dụng các loại vũ khí này. Hơn nữa, các đợt huấn luyện được thực hiện bên ngoài Ukraine", nhà lãnh đạo Ukraine chia sẻ.
Theo ông Zelensky, việc cuộc phản công khởi động trễ đã giúp Nga có thời gian gài mìn khắp nơi và xây dựng nhiều phòng tuyến. “Và chắc chắn, họ thậm chí còn có nhiều thời gian hơn cần thiết. Chính vì vậy họ đã xây dựng thêm các phòng tuyến này. Và thực sự họ đã gài mìn rất nhiều trên đất chúng tôi", Tổng thống Ukraine nói thêm.
Ở thời điểm hiện tại, đa phần giới quan sát nhận định cuộc phản công của Ukraine đang chậm lại, đồng thời hiệu quả của chiến dịch này cũng bị đặt dấu hỏi. Truyền thông phương Tây thường mô tả Ukraine đang đạt những thành quả khiêm tốn.
Theo các phân tích gần đây, Nga được cho đã phòng thủ và thích nghi tốt hơn trước. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ đánh giá, Nga đã thiết kế một trong những hệ thống phòng thủ lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Tuyến công sự của Nga dài gần 2.000km, kéo dài từ biên giới nước này với Belarus cho tới vùng đồng bằng Dnipro.
Ông Zelensky cho rằng việc Nga có tuyến phòng thủ mạnh buộc Ukraine phải phản công chậm. "Chúng tôi không muốn mất người, mất quân nhân. Và các quân nhân của chúng tôi cũng không muốn mất thiết bị vì điều đó", nhà lãnh đạo Ukraine cho hay.
XEM THÊM: Mỹ lần đầu biên chế chiến hạm ở nước ngoài
Được biết, Tổng thống Ukraine đã kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây viện trợ thêm các hệ thống phòng không hiện đại, vũ khí tầm xa để ngăn chặn các cuộc tập kích dữ dội tương tự nhắm vào thành phố cảng Odessa suốt một tuần qua.
Bất chấp sự hối thúc của Ukraine, đến nay Mỹ vẫn từ chối cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS với lý do không có đủ vũ khí dự phòng và Ukraine không thực sự cần chúng.
Trong 18 tháng kể từ khi xung đột với Nga nổ ra, Ukraine đã nhận lượng viện trợ quân sự lớn từ các thành viên NATO, riêng Mỹ viện trợ gần 50 tỷ USD. Xung đột kéo dài khiến kho dự trữ vũ khí của phương Tây cạn kiệt, khó đáp ứng nhu cầu của Kiev.
Mặc dù hiện tại đang phải đối mặt với nhiều thách thức, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov vẫn tin rằng Ukraine sẽ chiến thắng trước mùa hè năm sau và có thể gia nhập NATO vào tháng 7/2024.
Đinh Kim (T/h)