Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghi vấn virus lạ hủy hoại 70% phổi ở TP. HCM

(DS&PL) -

Thông tin về một bệnh nhân nhiễm virus gây hủy hoại 70% phổi gần đây đã khiến dư luận xã hội nóng lên nhiều lo ngại.

Thông tin về một bệnh nhân nhiễm virus gây hủy hoại 70% phổi gần đây đã khiến dư luận xã hội nóng lên nhiều lo ngại. Bệnh nguy hiểm đến mức nào, nguyên nhân do đâu, cách phòng, chữa trị thế nào là điều đang rất được quan tâm.

Sốt sắng vì bệnh lạ

Mới đây, bệnh nhân V.T.V. (41 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhập viện tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM với những biểu hiện: Sốt, ho khan, đau nhức mình mẩy kèm tiêu chảy. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị viêm phổi cộng đồng nặng, đáp ứng kém với điều trị và giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân.

Được các bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời nhưng tình trạng sức khỏe bệnh nhân V. chưa ổn định, tình trạng thở ngày càng xấu, sức khỏe sa sút. Các bác sĩ quyết định cho bệnh nhân đặt nội khí quản, thở bằng máy và chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu để tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân V.T.V. tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Tuy nhiên, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu vẫn chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh viêm phổi cộng đồng, diễn tiến nhanh, giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân. Diễn tiến bệnh lý của bệnh nhân V. phù hợp với diễn tiến bệnh viêm phổi do virus. Do đó, các bác sĩ nhận định ông V. bị nhiễm virus. Bệnh viện thông báo với người nhà và cho làm các xét nghiệm liên quan để tìm ra những loại virus thường gặp, gây viêm phổi nặng như cúm A (H1N1, H5N1...).

Sau khi có kết quả ông V. âm tính với các loại virus thường gặp, bệnh viện tiếp tục cho bệnh nhân làm 8 xét nghiệm khác, gửi sang viện Pasteur để xác định nguyên nhân gây viêm phổi nặng. Tuy nhiên, kết quả đều âm tính và không nhận diện được loại virus gây viêm phổi cho bệnh nhân.

Chị V.T.M., người nhà bệnh nhân V. cho biết: “Trước khi nhập viện tại bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi đưa anh V. đến khám và điều trị tại một bệnh viện tư nhân. Nhưng diễn tiến bệnh nặng nên họ cho chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy. Khi nghe thông tin, bệnh này do virus lạ tấn công, chúng tôi rất hoang mang lo lắng và sợ rằng không điều trị được. Đến nay, sức khỏe anh đã phục hồi, bác sĩ đã rút máy thở, chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn”.

Bà L.M.A. (55 tuổi, ngụ tỉnh Long An) đang điều trị bệnh viêm phổi tại bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Thông tin về bệnh viêm phổi do virus lạ tấn công khiến chúng tôi lo lắng. Tôi bị bệnh nhiễm trùng phổi nặng, gây khó thở, ho dai dẳng, đau ở cổ. Sau khi nhập viện, tôi được điều trị tích cực tại khoa Hô hấp đã hơn một tuần. Để tìm ra nguyên nhân bệnh, tôi cũng được làm các xét nghiệm. Các bác sĩ cho biết, trường hợp của tôi bị nhiễm trùng có thể điều trị theo phác đồ của bệnh viện.

Đến nay, tình trạng ho của tôi đã ổn, thở tốt hơn và sức khỏe được cải thiện. Bác sĩ cho biết, tôi có thể xuất viện trong tuần tới. Trước khi nhập viện, tôi cũng có biểu hiện ho lâu ngày, dai dẳng và không khỏi. Tôi đã uống thuốc, tự điều trị tại một phòng khám tư nhân gần nhà nhưng không có kết quả”.

Đang xét nghiệm tìm nguyên nhân

Trao đổi với PV, bác sĩ Phạm Minh Huy, khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Lúc vừa nhập viện, các bác sĩ đã nghĩ tới chuyện bệnh nhân V. nhiễm virus nên cho làm các xét nghiệm cần thiết và tiến hành điều trị cho bệnh nhân thuốc kháng virus ngay từ đầu. Nhưng do tình trạng bệnh không đáp ứng điều trị tốt nên diễn tiến xấu. Sau khi xuống khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân được hồi sức tích cực và tiếp tục điều trị các thuốc kháng virus, do đáp ứng điều trị nên tình trạng bệnh đã tốt hơn”.

Một ca phẫu thuật cho bệnh nhân. (Ảnh minh họa).

“Khoa Hồi sức cấp cứu từng điều trị nhiều ca bệnh nặng do nhiễm trùng phổi rất nặng từ virus, bệnh nhân phải thở bằng máy. Qua kinh nghiệm cho thấy, các mức độ nhiễm trùng phổi của bệnh nhân khác nhau tùy vào con virus gây bệnh, cơ địa bệnh nhân và đặc biệt là thời gian bắt đầu điều trị. Nếu điều trị trễ, thời gian bắt đầu dùng thuốc kháng virus chậm, bệnh sẽ nặng hơn” - bác sĩ Huy cho biết thêm.

Cũng theo bác sĩ Phạm Minh Huy, tại bệnh viện Chợ Rẫy, ghi nhận từ đầu năm đến nay có khoảng 5-7 ca tử vong do mắc viêm phổi từ virus. Dấu hiệu của viêm phổi do virus là mệt mỏi, đau nhức cơ thể, ho khan, đau khi ho, sổ mũi, tiêu chảy...

Mỗi năm, bệnh viện ghi nhận khoảng 20 ca điều trị tương tự. Tuy nhiên, chỉ những ca diễn tiến nặng do nhập viện trễ, không đáp ứng điều trị mới tử vong. Thuốc đặc trị cho người bệnh đều điều trị cho tất cả các loại virus gây bệnh viêm phổi.

“Các bác sĩ chưa tìm thấy tên gọi của loại virus lạ này. Những ca mắc bệnh đều được tích cực điều trị thuốc kháng virus theo các hướng dẫn điều trị về bệnh trên thế giới. Còn cụ thể loại virus mới là gì phải được phát hiện thông qua các xét nghiệm”, bác sĩ Huy thông tin.

Điều đáng nói, bệnh viêm phổi cộng đồng lây lan qua đường hô hấp nhưng tùy theo sức đề kháng của mỗi người mà diễn tiến bệnh trở nặng hay nhẹ. Thêm nữa, ở môi trường bệnh viện có nhiều vi khuẩn khác nhau, bệnh nhân đã viêm phổi do nhiễm virus có thể chuyển sang viêm phổi do nhiễm vi khuẩn khác, nên bệnh trở nặng.

Trường hợp như bệnh nhân V.T.V. có khoảng 70%-80% được cứu sống. Chỉ những bệnh nhân đề kháng yếu mới tử vong. Số này chiếm khoảng 20- 30% tổng số bệnh nhân nhập viện bị viêm phổi do virus.

Cần điều trị kịp thời

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM khuyến cáo: “Bệnh viện thường tiếp nhận nhiều bệnh nhi viêm phổi do nhiễm khuẩn và điều trị theo phác đồ phù hợp. Từ trước đến nay, chưa có bệnh nhi nào viêm phổi do virus lạ. Các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi, khi trẻ ho nhiều, không khỏi, cần phải đưa đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời. Một số trẻ viêm phổi do phụ huynh chủ quan, tự điều trị nên khi nhập viện bệnh trở nặng, phải điều trị kéo dài hàng tháng trời”.

Lành Nguyễn

Tin nổi bật