Otafuku, một trong những nhà hàng nấu món Oden lâu đời nhất tại Nhật Bản, được cho là đun đi đun lại nồi dùng từ năm 1945 và chỉ thêm nước vào đó mỗi ngày.
Bên ngoài nhà hàng Otafuku. |
Với lịch sử hơn 100 năm, Otafuku là nhà hàng oden lâu đời bậc nhất Tokyo. Nhà hàng này mở cửa từ thời Minh Trị (1868 - 1912), nhưng có thông tin là đầu bếp của nhà hàng không bao giờ đổ nồi nước dùng đi. Thay vào đó, họ sẽ trút nước dùng ra để vệ sinh nồi đồng sạch sẽ vào mỗi đêm.
Sau đó, họ sẽ đổ lại số nước hầm đó vào nồi, đậy nắp lại. Phần nước này cũng không được bảo quản lạnh. Ngày hôm sau, đầu bếp đun nóng nồi nước cùng thực phẩm tươi mới. Có thông tin cho rằng, nhà hàng vẫn dùng nồi nước hầm từ năm 1945, do chiếc nồi đồng nguyên bản bị mất vào năm đó, tuy nhiên thông tin này cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được kiểm chứng, xác nhận.
Oden là món lẩu truyền thống kiểu Nhật với cách thức làm tương tự món hầm, ninh. Món ăn này được cả những người ăn chay và mê thịt yêu thích, vì nó sử dụng dụng tất cả các loại nguyên liệu, từ trứng, đậu phụ, rau củ cho đến thịt cá, thịt bò, chả cá và lưỡi cá voi.
Đầu bếp tại quán Otafuku. Ảnh: Japan Times |
Linh hồn của món Oden chính là nước dùng. Rất nhiều nhà hàng Nhật Bản dựa theo công thức “master stock” (nước cốt) - nước dùng được dùng đi dùng lại nhiều lần để luộc hoặc om thịt - để mang lại hương vị đậm đà cho món Oden.
Đây không phải là nhà hàng duy nhất trên thế giới sở hữu nồi nước dùng có tuổi đời hơn 1 nửa thế kỷ. Trước đó, thực khách từng sửng sốt khi biết bí quyết nấu ngon của nhà hàng Wattana Panich ở Bangkok, Thái Lan, chuyên món mì bò hầm nổi tiếng với nồi nước đun đi đun lại suốt 45 năm qua.
Theo tờ BKK, Wattana Panich tại khu phố Ekkamai ở Bangkok có lịch sử lâu đời lên tới 45 năm. Du khách tới đây nườm nượp để thưởng thức món mỳ thịt bò hầm chín mềm, thơm ngon và nước dùng dùng đặc biệt.
Nồi nước hầm 45 năm tuổi phục vụ món mỳ bò hầm ở nhà hàng thuộc Bangkok, Thái Lan. |
Bí quyết chính là nồi nước hầm. Các đầu bếp của wattana Panich sử dụng một phương pháp nấu ăn cổ xưa, được biết đến trong một số nền văn hóa.
Món thịt bò hầm tại Wattana Panich được nấu trong một thùng lớn, khách hàng có thể nhìn thấy cái nồi to khổng lồ ngay cửa hàng. Nồi nước hầm bao gồm thịt, nước và thảo mộc. Nồi nước không hầm liên tục mà sẽ được trút ra bảo quản ngăn lạnh sau mỗi buổi tối. Sáng hôm sau, nước này sẽ được hâm nóng lại và thêm vào thực phẩm mới.
Các đầu bếp tại Wattana Panich thêm vào 25 kg thịt bò tươi mỗi ngày, được nấu hai lần để đảm bảo thịt mềm hoàn hảo. Nước từ hôm trước cũng cho vào để tạo ra một hương vị đáng kinh ngạc.
Theo đại diện của nhà hàng và cũng là thế hệ thứ 3 của gia đình, họ đã học theo phương pháp nấu ăn cổ gọi là “hầm vĩnh viễn”. Với cách làm này, nước dùng liên tục hấp thụ nhiều hương vị mới.
Tuy nhiên, sau khi biết được câu chuyện phía sau, nhiều thực khách phương Tây đã từ chối thưởng thức món ăn.
Mộc Miên (T/h)