Tối 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo NHNN, trước tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các TCTD cải thiện hơn, NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các TCTD. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chuwcsc tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Thống đốc cũng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các TCTD yên tâm hơn khi cấp tín dụng. Đây là những giải pháp linh hoạt trong tình hình hiện nay. Thời gian tới, NHNN sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023.
Đây là những giải pháp linh hoạt trong tình hình hiện nay. Thời gian tới, NHNN sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đề nghị NHNN trình Chính phủ xem xét nới trần tín dụng thêm 1%, nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 đến trước Tết Quý Mão 2023.
Đối tượng có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phải là chủ đầu tư, doanh nghiệp, người mua nhà ở các dự án có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang. Đặc biệt, các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động, có nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện.
Với nguồn vốn tín dụng bổ sung này, HoREA cho rằng sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, để dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thị trường bất động sản bao gồm các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng; trong đó, có nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản, do thiếu dòng tiền hoặc có dòng tiền âm. Nếu không khẩn trương có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
“Một trong các giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là giải pháp tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh, trong đó, có doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà từ nay đến Tết Quý Mão. Hầu như mọi hoạt động đầu tư kinh doanh trên thị trường bất động sản chỉ còn tập trung trong tháng 12/2022 đến ngày 6/1/2023 (Rằm tháng Chạp) với tổng cộng 36 ngày tới đây,” ông Lê Hoàng Châu đề xuất.
Trên thực tế, không chỉ riêng các doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng có kiến nghị NHNN xem xét nới thêm 1 - 2% room tín dụng cho năm 2022, do nhiều ngân hàng thương mại thông báo hết room, doanh nghiệp không vay được.
Hoa Vũ