Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ngâm rau sống với nước muối có loại bỏ được giun sán, hóa chất không?

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Nhiều người thường ngâm rau sống với nước muối vì cho rằng cách này có thể giúp loại bỏ giun sán, hóa chất độc hại.

Rau sống bao gồm các loại rau có thể ăn trực tiếp, không qua chế biến như diếp cá, xà lách, húng quế, tía tô... Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, rau sống giúp món ăn thêm hấp dẫn, tăng cảm giác ngon miệng, chống ngán khi ăn các món nhiều dầu mỡ.

Bên cạnh đó, các loại rau sống cung cấp các loại vitamin A, E, C..., chất khoáng và một số yếu tố vi lượng cho cơ thể. Các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Loại rau này cũng cung cấp một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng với bệnh tật.

Thế nhưng, nếu rau sống không được trồng sạch và rửa sạch thì người ăn có khả năng nhiễm giun, nhiễm khuẩn và nhiễm độc. VnExpress dẫn lời PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, rau sống có nguy cơ cao chứa các loại ký sinh do thường bị tưới bằng nước bẩn, bón phân tươi.

Đây là mầm mống khiến ký sinh trùng sinh sôi và lây lan như các loại giun sán, giun đũa chó mèo, sán lá gan... Ấu trùng vào cơ thể sẽ phát triển thành còn sán. Ăn rau sống còn có thể gây một số bệnh tiêu hóa như tiêu chảy, kiết lỵ.

Nếu rau sống không được trồng sạch và rửa sạch thì người ăn có khả năng nhiễm giun, nhiễm khuẩn và nhiễm độc. Ảnh minh họa

Để làm sạch rau sống, nhiều người thường ngâm và rửa rau với nước muối loãng. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết việc này không diệt trừ được giun sán, lượng hóa chất bám trên rau cũng không giảm đi đáng kể. Trái lại, mùi vị rau có thể bị thay đổi. Ngâm rau sống quá lâu (trên 10 phút) có thể làm mất đi các chất dinh dưỡng.

Theo kết quả nghiên cứu, trong 8 mẫu rau sống thường dùng, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng trên rau là 92,3-100%. Sau 3 lần rửa sạch và rửa bằng nước rửa chuyên dụng, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng vẫn còn ở mức 51,9 - 82,6%.

Tốt nhất bạn nên nhặt sạch rau rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch, rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy để loại trừ trứng giun sán, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hóa chất trừ sâu còn bám trên lá rau.

Với cọng rau lá to như xà lách, bạn nên bẻ ra từng nhánh, từng lá, lật qua hai bề mặt để rửa, sau đó bỏ vào thau, rửa lại bình thường một hoặc hai nước. Một số loại rau nên chần qua nước sôi, ở nhiệt độ cao, vi khuẩn sẽ chết và không gây hại cho cơ thể.

Lưu ý, tránh làm dập lá rau trong lúc rửa, nếu không sẽ làm giảm lượng vitamin và có thể khiến hóa chất ngấm vào rau. Sau khi rửa sạch, hãy để rau sống ráo nước rồi mới ăn. Nhiều người hay vẩy qua rồi ăn ngay, rất dễ khiến trẻ em hoặc những người hệ tiêu hóa yếu bị đau bụng.

Một số người lại rửa rau bằng cách ngâm với giấm. Nhiều nghiên cứu cho thấy giấm giúp tiêu diệt vi khuẩn, virus, phá vỡ phấn, lông bên ngoài. Hỗn hợp giấm 10% giảm đến 90% vi khuẩn nhưng chưa có nghiên cứu cho thấy giấm loại bỏ hoàn toàn thuốc trừ sâu. Nếu rửa rau bằng giấm thì bạn nên rửa lại bằng nước sạch một lần nữa.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật