Trong tuần trăng mật lãng mạn, khi cùng chồng mới cưới khi ngắm pháo hoa trên bãi biển bỗng cô dâu bị một quả cầu rực lửa bắn trúng khiến cô bị bỏng và gãy chân.
Cô Natalie Fitzpatrick, 42 tuổi, đến từ Torquay, Devon (Anh Quốc) đã kết hôn với người bạn đời chung sống nhiều năm là anh Paul, 41 tuổi, tại buổi lễ bên bãi biển ấm cúng ở Koh Chang, Thái Lan. Sau đó. cặp đôi này đã đi tour vòng quanh các đảo nhỏ và xem màn bắn pháo hoa trên bãi biển cùng đám đông.
Lễ cưới bên bãi biển của Natalie Fitzpatrick và bạn đời Paul ở Koh Chang, Thái Lan. Ảnh: SWNS |
Bỗng nhiên một quả pháo hoa bắn về phía họ, đâm vào cây dừa làm chùm quả bốc cháy. Một quả dừa đang cháy đã bắn về phía Natalie, đập vào chân khiến xương của cô bị gãy, còn chiếc váy cô đang mặc trên người thì bốc cháy.
Chồng Natalie và những khách du lịch quanh đó đã vội dập tắt lửa, dùng một chiếc ghế phơi nắng gần đó làm cáng và đưa cô lên xe tải đi bệnh viện gần nhất để cấp cứu.
Tại đây, Natalie đã phải trải qua một loạt các ca phẫu thuật, truyền máu, ghép da và đóng đinh cố định xương dọc bắp chân.
Tai nạn bất ngờ này khiến Natalie bị nhiễm trùng và mất khả năng lao động 2 năm liền.
Cô nói: "Đáng lẽ đó phải là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời chúng tôi, thế nhưng cuối cùng lại biến thành kinh khủng nhất. Tôi cảm thấy rất may mắn vì đã sống sót và nhẹ nhõm vì đó là mình chứ không phải là con gái tôi đã bị trúng quả dừa đó. Nếu không, giờ cháu chắc chắn đã không có mặt ở đây."
Được biết, sự việc xảy ra vào năm 2012 và con gái lớn của cặp đôi có tên Ezme khi ấy đã 4 tuổi. Hôm đó họ không cho con gái đi xem bắn pháo hoa vì cảm thấy "không an toàn".
May là lúc xem pháo hoa họ không cho con nhỏ đi theo. |
Trái dừa cháy đập vào chân khiến cô bị bỏng và gãy xương. |
Khi tai nạn xảy ra, may mắn là trong số khách du lịch có 2 người là bác sĩ, một nam đến từ Bỉ và người nữ đến từ Australia. Họ đã giúp cô sơ cứu để vết thương không bị nặng thêm.
"Mất 1 giờ tôi mới đến được bệnh viện gần đó và thêm 2 giờ nữa để chuyển đến một bệnh viện lớn hơn ở Phuket. Trong thời gian đó tôi không được tiêm thuốc giảm đau vì họ muốn xem hộ chiếu và giấy tờ bảo hiểm du lịch của tôi trước đã. Khi có đủ giấy tờ, họ mới chạy chữa cho tôi.
Trái dừa cháy đập vào chân tôi khiến da chỗ đó bị cháy đen. Mỗi ngày sau đó, tôi đều phải nằm trên bàn phẫu thuật, bị gây mê để các bác sĩ loại bỏ phần da thịt đã hoại tử. Càng xui hơn là trong suốt 2 tuần đó, thông dịch viên của bệnh viện lại nghỉ nên tôi chẳng biết được gì về tình trạng bệnh của mình và phải cố dùng điện thoại để phiên dịch những lời họ nói".
Khi quay trở về Anh, Natalie đã gặp chuyên gia y tế để tư vấn và sau đó các bác sĩ phẫu thuật đã phải loại bỏ bớt một số đinh ghim kim loại trong chân cô để giúp nó lành đúng cách hơn.
Cô nói: "Tôi đã được cảnh báo nếu không cẩn thận, họ có thể sẽ phải cắt bỏ phần chân từ dưới đầu gối trở xuống."
Dù biết Natalie đang mang thai lúc đó nhưng các bác sĩ vẫn phải dùng kháng sinh tiêm truyền tĩnh mạch (IV) cho cô để tránh nhiễm trùng và hoại tử.
Các bác sĩ ở Anh đã loại bỏ bớt đinh ghim để cứu chân cho Natalie. |
Đó là quãng thời gian dày vò cho Natalie khi cô vừa lo cho cái thai trong bụng, vừa lo bị mất chân. May mắn rốt cuộc cũng mỉm cười với cô khi con gái thứ hai Orla chào đời an toàn vào tháng 3/2014, 1 tuần sau cô được làm phẫu thuật tháo các thanh đinh nẹp.
Sau 6 năm bị tai nạn, Natalie vẫn đang phải hồi phục dần. Chân cô xuất hiện rất nhiều các hạch bạch huyết và thường phải đi một chiếc tất đặc biệt để chống phù nề. Tuy vậy cô vẫn rất lạc quan vì rốt cuộc không phải cắt chân.
"Hiện tôi đã có nhiều thay đổi. Người béo hơn do ít di chuyển, vận động. Một lần, khi đưa con gái đi thăm bảo tàng, bỗng có tiếng nổ lớn ở đâu đó và thế là tôi run lên và bật khóc.
Chỗ tôi ở mỗi khi có bắn pháo hoa là tôi lại lâm vào hoảng loạn. Tóm lại, cứ hễ nghe tiếng động lớn bất chợt là tôi lại cảm thấy người mình tê dại. Tôi biết mình bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) khiến tâm thần không ổn định do ám ảnh bởi quá khứ."
Minh Minh (Theo Metro)