Theo Dân Trí, phát biểu cùng người đồng cấp Belarus Sergey Aleinik hôm 15/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với các phóng viên rằng một số cường quốc phương Tây ngày càng quan tâm đến giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột ở Ukraine, song từ chối nêu tên bất kỳ quốc gia nào.
"Tôi không muốn và không có quyền nêu tên, nhưng một số lãnh đạo cấp cao, nổi tiếng của các nước phương Tây, trong đó có một nhà lãnh đạo phương Tây cụ thể, một nhà lãnh đạo rất nổi tiếng, đã vài lần, ít nhất là thông qua ba kênh liên lạc khác nhau, gửi tín hiệu về việc tại sao chúng ta không gặp nhau và nói về những việc cần làm với Ukraine và an ninh châu Âu", ông Peskov nói.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Reuters
Ông Lavrov khẳng định Nga "luôn sẵn sàng thảo luận nghiêm túc về những vấn đề này", nhưng Kiev là bên không sẵn sàng đàm phán.
"Chúng tôi chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán và câu hỏi này không nên được đặt ra cho chúng tôi", ông Lavrov cho biết.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh rằng, bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải tính đến "lợi ích hợp pháp của Nga" và phải "chấm dứt nỗ lực xây dựng an ninh của mình nhưng gây tổn hại cho người khác", ám chỉ nỗ lực của Ukraine nhằm gia nhập khối NATO.
Hồi đầu tháng, tại cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ông Lavrov nhắc lại rằng Nga và Ukraine về cơ bản đã đạt được thỏa thuận hòa bình sau các cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 3/2022. Ông cũng lưu ý rằng, nghị sĩ cấp cao Ukraine David Arakhamia, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán, gần đây đã xác nhận điều này.
Là đồng minh chính trị quan trọng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Arakhamia nói rằng mục tiêu chính của Nga là gây áp lực buộc Ukraine phải chấp nhận trung lập và từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO.
Ông Arakhamia tiết lộ, Kiev không tin tưởng Moscow sẽ giữ lời và muốn "đảm bảo an ninh" từ các bên thứ ba, đồng thời chỉ ra vai trò của Thủ tướng Anh khi đó là ông Boris Johnson trong việc ngăn cản các cuộc đàm phán.
Các nhà lãnh đạo phương Tây cho đến nay ít đề cập đến các cuộc đàm phán hòa bình mới trong các tuyên bố công khai, mặc dù các báo cáo truyền thông gần đây cho thấy các quan chức Mỹ và châu Âu đã âm thầm đề cập đến vấn đề này ở hậu trường.
Theo các quan chức Mỹ được NBC trích dẫn, Washington hiện "lo ngại Ukraine đang cạn kiệt lực lượng" và không thể thành công trên chiến trường, điều này đã thúc đẩy mối quan tâm đến các cuộc đàm phán.
Tổng thống Nga nhấn mạnh, nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đến nay không thay đổi.
“Chúng ta đang nói về tình trạng trung lập của Ukraine, phi quốc xã hóa và phi quân sự hóa”, ông nói thêm.
Tổng thống Nga tuyên bố, về vấn đề phi quân sự hóa, trong trường hợp Ukraine không muốn thỏa thuận, Nga “buộc phải thực hiện các biện pháp khác, bao gồm cả biện pháp quân sự”.
Ông Putin cũng nhấn mạnh, Nga sẽ tiếp tục tăng cường an ninh, chủ quyền, đảm bảo quyền lợi của công dân và an ninh trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ và sự phát triển của chủ nghĩa nghị viện, thông tin trên báo Pháp luật Việt Nam.
Năm ngoái, Tổng thống Zelensky ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Putin. Moscow nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine, đồng thời cho rằng những điều kiện mà Kiev đưa ra "không thực tế".
Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014.
Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm do Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm ngoái.
Thùy Dung (T/h)