Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nga phát triển dự án vệ tinh hạt nhân có thể phóng tia laser trong không gian vũ trụ

(DS&PL) -

Nga đang nỗ lực phát triển Dự án vệ tinh năng lượng hạt nhân đầy tham vọng, có thể phóng các chùm tia laser trong không gian để nạp năng lượng cho các vệ tinh khác.

Nga đang nỗ lực phát triển Dự án vệ tinh năng lượng hạt nhân đầy tham vọng, có thể phóng các chùm tia laser trong không gian để nạp năng lượng cho các vệ tinh khác.

Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đang nghiên cứu, phát triển Dự án các vệ tinh chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể phóng các chùm tia laser ngoài vũ trụ để cung cấp năng lượng cho các vệ tinh khác.

Vệ tinh năng lượng hạt nhân có thể phóng ra các chùm tia laser - Ảnh: RT

Hiện nay, Roscosmos đã ký hợp đồng với một phòng thí nghiệm bí mật có nhiều kinh nghiệm về xây dựng các lò phản ứng hạt nhân trong không gian vũ trụ cho dự án mới này.

Theo tờ Izvestia, Cục thiết kế KB Arsenal có trụ sở tại St. Petersburg cũng là một nhà thầu được Roscosmos thuê để nghiên cứu tính khả thi của Dự án trạm năng lượng hạt nhân vũ trụ.

Vệ tinh hạt nhân có thể phóng laser để nạp năng lượng cho các vệ tinh khác - Ảnh: Universe Today

Cục thiết kế KB Arsenal dự kiến giới thiệu những thông tin đầu tiên của dự án vào năm 2018, bao gồm thông số kỹ thuật, quỹ đạo và mức độ rủi ro liên quan đến việc triển khai Dự án trạm năng lượng hạt nhân vũ trụ.

Được biết, trung tâm của trạm năng lượng hạt nhân vũ trụ là các lò phản ứng hạt nhân với công suất từ 100 kW tới 1.000 kW trên quỹ đạo. Các trạm năng lượng hạt nhân này có thể phóng ra các chùm tia laser công suất lớn để nạp năng lượng cho các vệ tinh hiện bay xung quanh quỹ đạo và phục vụ các chuyến thám hiếm vũ trụ.

Dự án xây dựng các lò phản ứng hạt nhân trên không gian vũ trụ đã từng được cả Mỹ và Liên Xô thử nghiệm trước đây, trong đó Liên Xô từng thực hiện hơn 30 sứ mệnh. Vào cuối những năm 1980, Cục thiết kế KB Arsenal cũng chính là nhà phát triển của lò phản ứng Topaz, một thiết bị chuyển đổi nhiệt năng cao thành điện năng đặc biệt, gắn trên hai vệ tinh được phóng lên vũ trụ.

Lò phản ứng Topaz do Cục thiết kế KB Arsenal phát triển - Ảnh: RT

Tuy nhiên, các dự án do Liên Xô thực hiện khi đó từng gây nhiều tranh cãi. Năm 1978, vệ tinh Kosmos - 954 phát nổ khi đang đưa một lò phản ứng hạt nhân vào vũ trụ. Các mảnh vỡ của vụ nổ rơi xuống Canada, gây ra vụ phát tán chất phóng xạ nghiêm trọng. Liên Xô đã phải chi trả hàng triệu USD cho công tác xử lý hậu quả.

Tờ Izvestia cho rằng, hiện nay Nga đang nỗ lực phát triển một hệ thống động cơ hạt nhân để sử dụng cho các sứ mệnh không gian vũ trụ xa hơn. Tuy nhiên, đánh giá về công nghệ và chi phí, đối với các sứ mệnh trên không gian hiện nay thì các tấm pin mặt trời truyền thống vẫn vượt trội hơn nhiều so với trạm năng lượng hạt nhân vũ trụ theo sáng kiến của Roscosmos. Còn truyền năng lượng qua các chùm tia laser đã được thử nghiệm trên trái đất trong nhiều lĩnh vực khác nhau như cung cấp điện cho máy bay không người lái khi đang hoạt động.

Năm 2016, Tập đoàn phát triển công nghệ vũ trụ Energia của Nga đã thử nghiệm truyền năng lượng bằng tia laser vào một điện thoại di động từ khoảng cách 1,5 km. Energia cho biết, dự án công nghệ tương lai này sẽ được thử nghiệm để truyền năng lượng từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) tới tàu vận tải mang tên Tiến bộ của Nga trong tương lai.

Ngân Nhi (Theo RT)

Tin nổi bật