Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt đã tác động đến châu Âu sau khi lục địa này tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Cao điểm, giá năng lượng đã tăng 25% trong tuần trước thời điểm Nga thông báo giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống "Nord Stream 1" (Dòng chảy phương Bắc 1) đến Đức xuống còn 20% công suất. Hiện các quốc gia châu Âu đang vật lộn để dự trữ đủ lượng khí đốt cho mùa Đông tới.
Nhiều nước lo ngại rằng phải thực hiện việc phân bổ khí đốt cho cả các hộ gia đình và doanh nghiệp. Nguy cơ khủng hoảng năng lượng có thể gây ra suy thoái do châu lục này phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên để sưởi ấm và sản xuất.
Một đoạn đường ống Nord Stream 1 ở Đức. Ảnh: Reuters.
Chia sẻ với Times Radio ngày 7/8 (giờ địa phương), Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc, ông Dmitry Polyansky cho hay các thủ tục mang tính kỹ thuật liên quan đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 không thể hoàn thành do các lệnh trừng phạt chống lại Nga của châu Âu và Anh, và chính vì thế mà các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang rơi vào tình trạng khủng hoảng năng lượng.
Trả lời câu hỏi về lý do tại sao Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, qua đó tạo thêm áp lực lên các nhóm người dân dễ bị tổn thương ở châu Âu và Anh, ông Polyansky cho biết: “Liên quan đến tình hình hiện tại của Dòng chảy phương Bắc, tôi tin rằng đã được giải thích chi tiết, rằng có một số quy trình kỹ thuật nhất định cần được hoàn thành nhờ thiết bị của đường ống Dòng chảy phương Bắc, và điều này không thể thực hiện được do các lệnh trừng phạt chống Nga".
Quan chức ngoại giao Nga khẳng định: “Nga đã và vẫn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho châu Âu".
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), để đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu, Mỹ đã tăng cường vị thế là nhà xuất khẩukhí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022. Với xuất khẩu trung bình hàng ngày của nước này tăng 12% trong 6 tháng qua lên gần 3,8 tỷ m3/ngày.
Hiện Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã vượt châu Á, trở thành nhà nhập khẩu LNG hàng đầu của Mỹ, chiếm 71% và đang phải trả một khoản tiền lớn cho LNG. Một số nhà sản xuất thậm chí đã phá vỡ hợp đồng với các nước đang phát triển để chuyển hướng cung cấp nhiên liệu sang châu Âu nhằm thu về lợi nhuận cao hơn bất chấp các khoản phạt.
Bích Thảo (T/h)