Báo Dân trí đưa tin, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngày 22/5 cho biết, Nga đã ký một công ước của Liên hợp quốc, trong đó có những quy định về phân định biên giới trên biển. "Cả chúng tôi và Phần Lan đều cho rằng Nga - một bên ký kết công ước đó - phải tuân thủ nghĩa vụ theo công ước", ông Kristersson nói.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Thụy Điển được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga đề xuất điều chỉnh biên giới lãnh hải Nga trên biển Baltic. Theo dự thảo nghị định của chính phủ Nga đề ngày 21/5, Bộ Quốc phòng Nga đề xuất điều chỉnh biên giới xung quanh các đảo của Nga ở phía đông Vịnh Phần Lan và xung quanh Kaliningrad.
Bộ Quốc phòng Nga viện dẫn một tài liệu năm 1985 được Liên Xô thông qua để lý giải cho đề xuất này. Theo trang tin RBC, Nga dự định thay đổi tọa độ địa lý của các điểm xác định vị trí của các điểm cơ sở để đo chiều rộng lãnh hải, vùng lân cận gần bờ biển và các đảo của Nga.
Hạm đội Baltic của Hải quân Nga tập trận tại bãi tập Khmelevka (tỉnh Kaliningrad, Nga) hồi năm 2019. Ảnh: Reuters
Dự thảo nghị định không nêu rõ lý do Nga cần điều chỉnh biên giới trên biển Baltic, cũng như liệu nó sẽ được điều chỉnh như thế nào và nếu có thì việc tham vấn với các quốc gia khác xung quanh biển Baltic ra sao.
Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen nói rằng Nga nên tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. "Nếu Nga thay đổi biên giới, Nga sẽ vi phạm công ước của Liên hợp quốc, và Nga sẽ vấp phải sự phản đối của cả thế giới", Ngoại trưởng Valtonen cho biết đồng thời nhận định đây có thể là hành động thường lệ của Nga chứ không phải hành động khiêu khích.
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb viết trên mạng xã hội X rằng Nga chưa liên lạc với Phần Lan về vấn đề này. "Phần Lan hành động như mọi khi: bình tĩnh và dựa trên thực tế", ông Stubb cho biết.
Trong khi đó, theo VnExpress, Bộ Ngoại giao Litva ngày 22/5 thông báo "triệu tập đại diện Nga để giải thích đầy đủ" về dự thảo đề xuất một ngày trước từ Bộ Quốc phòng Nga, cho rằng Moskva cần tính toán lại tọa độ các điểm xác định đường cơ sở trên biển Baltic.
Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cáo buộc Nga "cố tình tạo ra sợ hãi, mơ hồ và nghi ngờ về những dự định của họ trên Biển Baltic. Ông cũng cáo buộc diễn biến này là "hành động leo thang trắng trợn nhắm vào NATO và EU, cần bị đáp trả cứng rắn và thích hợp".
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda cho biết đại sứ nước này tại NATO đã bày tỏ lo ngại với các đồng minh về động thái của Nga. Tổng thống Nauseda đặt nghi vấn đề xuất trên là một phần "kế hoạch lớn hơn của Nga nhằm chống lại NATO".