Ngày 21/5 (giờ địa phương), Công ty năng lượng Phần Lan Gasum xác nhận nguồn cung khí đốt của Nga tới Phần Lan đã bị dừng, do không thanh toán bằng đồng ruble, theo Reuters.
"Nguồn cung khí đốt tự nhiên cho Phần Lan theo hợp đồng với Nga đã bị cắt", công ty Gasum ra tuyên bố cho biết, đồng thời họ sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho khách hàng trong nước từ các nguồn khác qua đường ống Balticconnector nối Phần Lan với Estonia.
Công ty điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt tự nhiên thuộc sở hữu nhà nước Phần Lan cũng xác nhận "nhập khẩu khí đốt qua cửa khẩu Imatra (thị trấn giáp biên giới Nga) đã bị ngừng". Imatra là điểm nhập khí đốt Nga vào Phần Lan.
"Chúng tôi đã chuẩn bị cẩn thận cho tình huống này và nếu mạng lưới truyền khí đốt không bị gián đoạn, chúng tôi sẽ có thể cung cấp khí đốt cho toàn bộ khách hàng trong những tháng tới”, CEO của Gasum, ông Mika Wiljanen nói.
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo sẽ cắt khí đốt sang Phần Lan từ ngày 21/5. Ảnh: Reuters.
Trước đó, Nga đã dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria do hai quốc gia này từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Ngày 19/5, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết khoảng một nửa trong số 54 công ty có hợp đồng khí đốt với tập đoàn năng lượng Gazprom đã mở tài khoản bằng đồng ruble để thanh toán khí đốt, hãng thông tấn RIA đưa tin.
Ông Novak cho biết thêm khi số liệu của tháng 4 được hoàn thiện, sẽ có một danh sách "những công ty đồng ý trả bằng đồng ruble và những công ty từ chối làm điều này", AFP đưa tin.
Căng thẳng giữa Nga và Phần Lan leo thang sau khi quốc gia Bắc Âu chính thức tuyên bố ý định gia nhập NATO, từ bỏ nhiều thập kỷ trung lập và phớt lờ những lời đe dọa của Nga.
Vào ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo đã ký sắc lệnh yêu cầu bên mua nước ngoài phải thanh toán bằng đồng ruble để mua khí đốt Nga từ ngày 1/4, và các hợp đồng sẽ bị tạm đình chỉ nếu các khoản thanh toán này không được thực hiện. Thông báo được đưa ra nhằm đáp trả hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, sau khi nước này phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Bích Thảo (T/h)