Theo hãng tin RT, Tổng thống Donald Trump mới đây cho biết Nga đã đồng ý thả Marc Fogel, một cựu nhân viên đại sứ quán Mỹ bị kết án 14 năm tù vì tội buôn bán ma túy, mà không yêu cầu nhiều điều kiện trao đổi. Ông hy vọng việc thả một công dân Mỹ sẽ đánh dấu "sự khởi đầu của một mối quan hệ" giữa 2 bên nhằm chấm dứt xung đột Ukraine.
"Thực ra, chúng tôi đã được Nga đối xử rất tốt. Tôi hy vọng đó là sự khởi đầu của một mối quan hệ mà chúng ta có thể chấm dứt cuộc chiến đó và hàng triệu người có thể sẽ không bị thiệt mạng", ông Trump nói với các nhà báo tại Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về diễn biến này, nhưng các quan chức Mỹ đã ca ngợi động thái này là "biểu hiện của thiện chí". Khi được hỏi liệu Mỹ có trao cho Nga “bất cứ thứ gì để đổi lại” hay không, ông Trump dừng lại một chút trước khi trả lời: “Không nhiều lắm. Không, họ rất tử tế”.
Thông tin trên được ông Trump đưa ra trong bối cảnh, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tại một cuộc họp báo mới đây cảnh báo rằng mối quan hệ giữa Moscow và Washington đang bên bờ vực rạn nứt và quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân đang xấu đi.
Ông Ryabkov cho biết, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "tập trung vào chiến tranh hỗn hợp, đưa vào các văn bản của mình và áp đặt lên các đồng minh trong nhiều liên minh ý tưởng về khả năng gây ra thất bại chiến lược cho Nga". Kết quả là "nội dung đối lập" trong quan hệ Nga - Mỹ ngày càng gia tăng và trở nên "rất nghiêm trọng" cho đến ngày nay.
Ông đồng thời nhấn mạnh rằng, những nỗ lực của Washington nhằm đưa ra yêu cầu với Moscow hoặc chứng minh rằng họ đã làm "một việc tốt" để đổi lấy những yêu cầu không thể chấp nhận được của Mỹ chắc chắn sẽ thất bại trong cuộc đối thoại với Nga.
Theo Thứ trưởng Nga, sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump "có nghĩa là một sự thay đổi" trong chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ nhưng Moscow hiện không mấy hy vọng vào việc cải thiện quan hệ giữa 2 bên.
"Trong chính trị nội bộ của Mỹ và trong khuôn khổ cứng nhắc của chính sách đối ngoại, Nga đã chính thức bị coi là 'đối thủ lớn', như cách họ gọi chúng tôi [Nga] một cách chính thức. Đối với chúng tôi, vấn đề thực tế vẫn là quan trọng nhất. Đó là điều chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu", ông Ryabkov nói thêm.
Theo Tass và RT