Một số người nghĩ rằng các món ăn nóng không thể đặt trực tiếp tủ lạnh mà phải chờ cho thực phẩm nguội hẳn. Họ lý giải nếu thực phẩm nóng đặt trực tiếp vào tủ lạnh - một môi trường nhiệt độ thấp hơn hẳn - sẽ khiến các chất dinh dưỡng bên trong thực phẩm bị biến đổi, biến chất.
Để thực phẩm nóng trong tủ lạnh cũng có thể khiến nhiệt độ bên trong tủ cao hơn mức nhiệt cần thiết. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, không khí nóng do thực phẩm mang vào tủ lạnh gặp nhiệt độ thấp sẽ gây ra sự ngưng tụ hơi nước, có thể thúc đẩy sự phát triển của nấm mốc và làm cho tất cả thực phẩm trong tủ lạnh có nguy cơ bị mốc. Do đó, người ta tin rằng các món ăn nóng nên được làm nguội trước khi cất chúng trong tủ lạnh.
Một số khác lại nghĩ rằng các món ăn nóng nên được đặt trực tiếp vào tủ lạnh sớm, đặc biệt là trong thời tiết trời mùa hè có nhiệt độ cao, vi khuẩn sinh sôi và nhân lên rất nhanh chóng. Nếu chờ cho thức ăn nguội rồi mới cất vào tủ lạnh tức là chúng ta đang tạo cho vi khuẩn thời gian và môi trường để chúng phát triển.
Vì vậy, họ cho rằng việc đợi cho thực phẩm nguội rồi mới cất vào tủ lạnh làm tăng nguy cơ gây độc cho thực phẩm hơn và làm cho nó ít an toàn hơn.
Nên hay không nên đặt thực phẩm nóng trực tiếp vào tủ lạnh?
Trên thực tế khi đột ngột đưa thức ăn còn nóng vào tủ lạnh có thể dẫn đến thực phẩm đó bị "sốc nhiệt". Hành động này vô tình hình thành nên nhiều loại vi khuẩn gây hại, khiến đồ ăn dễ bị nhiễm bẩn và ôi thiu. Lúc này, bạn cần phải loại bỏ phần đồ ăn này ngay lập tức, vì nếu vô tình ăn phải về lâu dài rất hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, khi đựng đồ ăn nóng trong vật dụng bằng nhựa sẽ tạo ra nhiều phản ứng hóa học làm biến đổi thức ăn, đe dọa rất lớn tới sức khỏe của bạn và gia đình.
Tủ lạnh sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn bình thường khi tiến hành làm lạnh nhanh để làm nguội thức ăn. Ảnh minh họa
Thực phẩm khác cũng có thể bị hao mòn, mất giá trị dinh dưỡng nếu như đặt cạnh phần đồ ăn còn nóng trong tủ lạnh. Ngoài ra, để thực phẩm nóng trong tủ lạnh cũng có thể khiến nhiệt độ bên trong tủ cao hơn mức nhiệt cần thiết. Điều này gây ảnh hưởng đến quá trình bảo quản lạnh, từ đó khiến thực phẩm có thể bị ôi thiu, biến chất.
Tủ lạnh sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn bình thường khi tiến hành làm lạnh nhanh để làm nguội thức ăn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, hóa đơn tiền điện sẽ tăng lên và tốn thêm một khoản chi phí sinh hoạt.
Ngoài ra, bạn phải đánh đổi việc bỏ thực phẩm nóng vào tủ lạnh và việc mất thêm tiền cho việc sửa chữa tủ lạnh. Vì khi hoạt động với công suất mạnh suốt thời gian dài, tủ lạnh sẽ bị xuống cấp và hư hỏng.
Nếu để đồ ăn nóng vào bên trong tủ lạnh sẽ khiến nhiệt độ bên trong tủ tăng nhanh hơn. Sau khi đồ ăn nguội, tủ lạnh sẽ khởi động mô-tơ để điều chỉnh nhiệt độ trong tủ trở về như ban đầu mức nhiệt đã cài đặt. Việc khởi động và làm lạnh gấp như vậy có thể làm tủ lạnh bị giảm tuổi thọ nhanh chóng.
Đồng thời, hơi nóng của thực phẩm có thể làm biến dạng khay kệ tủ lạnh làm tủ xuống cấp và mất thẩm mỹ.
Một số mẹo bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh đúng cách
Tuyệt đối không bỏ thức ăn vừa đun sôi xong vào tủ lạnh và phải đậy kín, tránh để hơi nóng tỏa ra khắp tủ. Ảnh minh họa
Sau khi thực phẩm vừa đun nóng xong, bạn nên chờ khoảng 10 - 15 phút cho đồ ăn giảm xuống tầm 70-80 độ C rồi mới cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Đồng thời, để tránh các mầm bệnh gây hại, bạn nên cho đồ ăn vào hộp kín có nắp. Nếu có thể, hãy dùng hộp đựng bằng thủy tinh và hãy chia thực phẩm thành nhiều hộp nhỏ để giúp tủ lạnh làm lạnh nhanh hơn.
Tuyệt đối không bỏ thức ăn vừa đun sôi xong vào tủ lạnh và phải đậy kín, tránh để hơi nóng tỏa ra khắp tủ và giúp những thực phẩm bên cạnh không bị lây nhiễm chéo vi khuẩn. Ngoài ra, bạn không nên để quá nhiều thức ăn nóng vào trong tủ lạnh cùng một lúc. Vì hành động này khiến cho thực phẩm rất nhanh hỏng.
Thùy Dung (T/h)