Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

NATO không đồng ý với việc đưa quân tới Ukraine

  • Phương Linh
(DS&PL) -

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận không có kế hoạch đưa quân liên minh tới Ukraine và hiện thời không thấy bất kỳ mối đe dọa quân sự nào từ Nga đối với các quốc gia thành viên của khối.

Theo Tuổi trẻ, ngày 11/3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng các đồng minh phương Tây không nên loại trừ việc triển khai quân tới Ukraine.

"NATO không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine. NATO không tham gia cuộc xung đột và các đồng minh của NATO cũng vậy", ông Stoltenberg nói với Hãng tin Reuters trong một cuộc phỏng vấn.

Ông Stoltenberg nói rằng ngay cả khi các quốc gia NATO riêng lẻ gửi quân tới Ukraine, điều đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ NATO vì các thành viên của liên minh này bị ràng buộc bởi một hiệp ước phòng thủ tập thể.

"Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải tham khảo ý kiến và có cách tiếp cận chung đối với những chủ đề quan trọng này vì chúng quan trọng đối với tất cả chúng ta", ông Stoltenberg nói thêm.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Trước đó, Tổng thống Macron cho biết hiện không có sự đồng thuận ở giai đoạn này về việc gửi quân đến chiến trường Ukraine, nhưng cũng không thể loại trừ kịch bản này.

Nhiều thành viên NATO đã bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Macron, trong đó phần lớn các nước cam kết không can dự vào Ukraine, thay vào đó đề nghị khối nên tập trung hỗ trợ quân sự và tài chính cho Kiev.

Tổng thư ký NATO tuyên bố "không có kế hoạch triển khai lực lượng chiến đấu của NATO trên thực địa ở Ukraine" và một số thành viên của liên minh, bao gồm cả Mỹ, đã đưa ra các tuyên bố riêng phủ nhận bất kỳ ý định nào như vậy.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết, Tổng thống Joe Biden "đã nói rõ rằng Mỹ sẽ không gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine".

Theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Mỹ và các đồng minh đã gửi viện trợ tài chính, quân sự và vật chất trị giá hơn 278 tỷ USD cho chính phủ Ukraine kể từ khi xung đột với Nga leo thang vào tháng 2/2022. Khoản viện trợ bổ sung 60 tỷ USD của Mỹ cũng đang được cân nhắc nhưng đang bị đình trệ tại Quốc hội.

Moscow đã cảnh báo rằng sự hiện diện của quân đội NATO ở Ukraine có thể sẽ khiến cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và khối do Mỹ đứng đầu là không thể tránh khỏi. Nga coi cuộc xung đột Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại nước này và nhiều lần cảnh báo các thành viên NATO đang kéo dài cuộc xung đột bằng cách hỗ trợ Kiev.

Một báo cáo do tình báo Mỹ công bố hôm 12/3 nhận định Tổng thống Nga Vladimir Putin gần như chắc chắn không muốn đối đầu trực tiếp với NATO và sẽ hạn chế thực hiện các hoạt động mà Moscow cho rằng vượt quá giới hạn và lôi kéo các bên vào cuộc xung đột.

Tình báo Mỹ tin rằng Nga sẽ tiếp tục sử dụng "tất cả các nguồn sức mạnh quốc gia" để thúc đẩy lợi ích của mình và cố gắng làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ và các đồng minh, mặc dù việc tách rời các thị trường và công nghệ phương Tây sẽ là một thách thức với Moscow, Dân Trí đưa tin.

Phương Linh (T/h)

Tin nổi bật