Ngôi sao này được các nhà thiên văn đặt tên là “Earendel”, có nghĩa là Sao Mai. Theo nghiên cứu chi tiết được công bố ngày 30/3 trên tạp chí Nature, Earendel nặng gấp 500 lần so với Mặt Trời và cũng sáng hơn Mặt Trời hàng triệu lần, được hình thành từ khi vũ trụ còn sơ khai.
Hình ảnh ngôi sao Earendel được kính viễn vọng Không gian Hubble ghi lại. Ảnh: NASA
Đây được coi là ngôi sao xa nhất từ trước tới nay, cách trái đất khoảng 28 tỷ năm ánh sáng. Các nhà nghiên cứu cho rằng Earendel có thể ra đời vào khoảng 900 triệu năm sau vụ nổ Big Bang, và là một trong những thế hệ sao đầu tiên của vũ trụ.
Quan sát này phá vỡ kỷ lục mà kính viễn vọng không gian Hubble ghi nhận được vào năm 2018, khi đó mới cách trái đất khoảng 4 tỷ năm ánh sáng.
Ánh sáng Earendel mất tới 12,9 tỷ năm để đến được với Trái đất. Quan sát về Earendel có thể giúp các nhà thiên văn học nghiên cứu thời kỳ sơ khai của vũ trụ.
Cận cảnh khu vực nhỏ bé nơi Earendel xuất hiện. Ảnh: NASA
Đồng tác giả nghiên cứu Victoria Strait, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Cosmic Dawn ở Copenhagen, cho biết: “Khi ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy bấy giờ từ Earendel được phát ra, vũ trụ chưa đầy một tỷ năm tuổi, chỉ bằng 6% so với tuổi hiện tại của ngôi sao. Vào thời điểm đó, ngôi sao cách tiền thân của Dải Ngân hà 4 tỷ năm ánh sáng. Tuy nhiên, sau gần 13 tỷ năm, ánh sáng của nó mới đến được với chúng ta. Vũ trụ đã giãn nở khiến ngôi sao này hiện tại cách chúng ta khoảng 28 tỷ năm ánh sáng”.
Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), vẫn còn nhiều điều để khám phá về ngôi sao xa xôi mới tìm thấy này, chẳng hạn như khối lượng, nhiệt độ và phân loại quang phổ của nó.
Giới quan sát dự kiến sẽ sử dụng thêm những chức năng quan sát với độ nhạy hồng ngoại cao của Kính viễn vọng Không gian James Webb để xác minh trạng thái của ngôi sao Earendel và sau đó tiến hành nghiên cứu nó chi tiết hơn.
Trang Lê (Theo CNN)