Quốc gia nào chịu ảnh hưởng nặng nề nhất?
Theo thông tin trên CNN, nắng nóng gay gắt đã trở lại Đông Nam Á - một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng nắng nóng sẽ không sớm kết thúc.
Nhà khí hậu học Maximiliano Herrera chia sẻ, là nơi sinh sống của hơn 675 triệu người, Đông Nam Á đã chứng kiến nhiệt độ chạm mốc chưa từng thấy, với rất ít thời gian phục hồi trước sức nóng và độ ẩm khắc nghiệt.
Cũng theo nhà khí hậu học Herrera, Thái Lan là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông đồng thời dự báo nắng nóng ở đây đặc biệt khắc nghiệt. Nhiệt độ trên khắp cả nước đã liên tục phá kỷ lục trong vòng 13 tháng, còn sức nóng và độ ẩm không ngừng tăng lên.
“Chúng tôi nghĩ rằng nhiệt độ năm ngoái đã là mức nhiệt không thể chịu nổi nhưng những gì chúng ta đang chứng kiến trong năm nay đã xô đổ kỷ lục đó. Nhiệt độ ở Bangkok sẽ không giảm xuống dưới 30 độ C, ngay cả vào ban đêm trong thời gian còn lại của tháng 4”, nhà khí hậu học Herrera nói.
Được biết, vào 3/4, khi Thái Lan bước vào mùa khô hàng năm, nhiệt độ ở Bangkok là khoảng 42,7 độ C, khiến nhiều người phải ở trong nhà và bật điều hòa.
Theo nhận định của giới chuyên gia, xu hướng nói trên là không thể tránh khỏi và khu vực này phải chuẩn bị cho đợt nắng nóng khắc nghiệt trong khoảng thời gian còn lại của tháng 4 và phần lớn tháng 5.
Nắng nóng kéo dài, không thể dự đoán thời điểm kết thúc
Nhiệt độ trung bình của Đông Nam Á tăng lên mỗi thập kỷ kể từ năm 1960, tuy nhiên theo các chuyên gia, một trong những điều đáng lo ngại nhất của đợt nắng nóng hiện đang lan rộng khắp khu vực là kéo dài mà không dự đoán được thời điểm kết thúc xác định.
Các nhà nghiên cứu thuộc nhóm nghiên cứu khí hậu Thụy Sĩ IQ Air cho rằng, đợt nắng nóng hiện tại là do “sự kết hợp của các yếu tố gồm biến đổi khí hậu do con người gây ra và hiện tượng El Nino”.
IQ Air hôm 5/4 chia sẻ: “Hiện tượng này đã dẫn đến nhiệt độ cao chưa từng thấy trên toàn khu vực. Hiện tại chưa thể dự báo chính xác thời điểm chu kỳ nắng nóng sẽ kết thúc do việc giảm nhiệt sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như mô hình thời tiết, nỗ lực của các chính phủ nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”.
Một giải pháp đang được xem xét tại Malaysia là làm mưa nhân tạo, tức bơm các hạt vào đám mây, thường là từ máy bay, để tạo mưa. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia Adly Zahari, việc làm mưa nhân tạo phải tính đến các yếu tối thời tiết khác nhau như điều kiện mây và gió trước khi thực hiện.
Nắng nóng gay gắt đã trở lại Đông Nam Á. Ảnh minh họa
Ít nhất 2 trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng đã được báo cáo tại Malaysia, gồm một thanh niên 22 tuổi ở bang Pahang phía Bắc và một cậu bé 3 tuổi ở bang láng giềng Kelantan. Các quan chứ y tế thông tin cả 2 trường hợp này đều tử vong do xảy nắng.
Giới chức trách ở bang Sabah trên đảo Borneo cũng báo cáo gần 300 vụ cháy ở các trang trại, đồn điền và rừng trong suốt tháng 2/2024.
Hồi cuối tháng 3/2023, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi nói: “Biến đổi khí hậu khiến Malaysia dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng cực độ. Chúng tôi cảm thấy may mắn vì mức nhiệt chưa đạt đến cấp độ nắng nóng thứ 3 nhưng điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Giống như nhiều người dân Malaysia, sinh viên đại học Aidil Iman Aidid đã cố gắng thích nghi với tình trạng nắng nóng đang diễn ra, đặc biệt là trong những tuần gần đây khi anh nhịn ăn trong tháng lễ Ramadan.
“Tháng lễ Ramadan năm nay là nóng nhất và thách thức nhất, trong khi việc giữ đủ nước đặc biệt khó khăn, với việc những ngày nắng nóng giờ đây ‘cảm thấy dài hơn nhiều’. Chúng tôi đang sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.”, Aidil nói.
Nam sinh viên cho biết thêm, anh thường thức dậy trong tình trạng khát nước và mệt mỏi sau khi ngủ trưa trong thời gian nhịn ăn.
Tại Singapore, một số trường học đã yêu cầu học sinh mặc đồ tập thể dục rộng rãi, mát mẻ hơn cho đến khi có thông báo mới, do nhiệt độ cao liên tục trong những tuần gần đây.
“Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình nắng nóng và sức khỏe của học sinh và nhân viên, đặc biệt là những người có thể dễ bị tổn thương hơn trước tác động của điều kiện nhiệt độ cao hơn”, CNN dẫn lời người phát ngôn của Bộ Giáo dục.
Trong khi đó, hàng trăm trường học ở Philippines, bao gồm hàng chục trường học tại thủ đô Manila, buộc phải cho học sinh nghỉ học sau khi nhiệt độ hàng ngày tăng vọt lên mức 42 độ C.
Tổ chức Save The Children tại Philippines thông tin: “Các nhà giáo dục và giới chức trách địa phương buộc phải đưa ra quyết định là tạm đóng cửa hàng trăm trường học do tình trạng nắng nóng cực độ có nghĩa là trẻ không thể học tập trung trong lớp và sức khỏe của các em cũng gặp nguy hiểm.
Chúng ta cần xem xét hành động khẩn cấp ngay bây giờ để hạn chế nhiệt độ tăng lên mức tối đa 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Nếu không làm được điều này thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, sự an toàn và phúc lợi của trẻ em”.
Tình hình nắng nóng ở Việt Nam
Ở Việt Nam, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1 - 2 độ C; riêng khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nơi cao hơn từ 2 - 3 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trong khi đó, tổng lượng mưa tại các khu vực trên cả nước phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-40mm; riêng khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến thấp hơn từ 40-80mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trong khoảng thời gian từ ngày 11/4 - 10/5, không khí lạnh hoạt động với cường độ yếu và giảm dần về tần suất. Áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh dần nên nắng nóng có xu hướng gia tăng nhiều hơn tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ.
Dự báo chi tiết tình hình nắng nóng ở khu vực Nam Bộ và Tây Bắc Bắc Bộ.
Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên - Nam Bộ chưa có dấu hiệu bắt đầu và khu vực tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt.
Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá.
Từ ngày 11/4-10/5 là thời kỳ giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Với sự thiếu hụt mưa và khả năng nắng nóng gia tăng hơn trung bình tại các khu vực trên phạm vi cả nước, nguy cơ cao kéo dài thêm tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ rất cao, đặc biệt khu vực Tây Nguyên - Nam Bộ.
Liên quan đến tình hình nắng nóng ở khu vực Nam Bộ và Tây Bắc Bắc Bộ, trong bản tin phát lúc 14h ngày 12/4, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết khu vực Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C như Biên Hòa (Đồng Nai) 38.4 độ C, Đồng Phú (Bình Phước) 37.3 độ C, Thủ Dầu Một (Bình Dương) 37.4 độ C… Độ ẩm tương đối lúc 13h phổ biến 45-50%; khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ.
Dự báo ngày 13/4 - 14/4, khu vực Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, miền Đông có nơi trên 38 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-45%.
Khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C, với độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%. Tây Nguyên và khu vực vùng núi Trung và Nam Trung Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C.
Nắng nóng ở khu vực Nam Bộ và khu Tây Bắc Bắc Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Ngày 14/4 - 15/4, ở khu vực Tây Nguyên và vùng núi phía Tây khu vực Trung Bộ khả năng có nắng nóng diện rộng.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Đ.K (Theo CNN)