(ĐSPL) - Hàng loạt các chính sách thiên vị cho các doanh nghiệp FDI đang khiến các doanh nghiệp trong nước tủi thân với muôn vàn cái khó, làm dư luận lo ngại về việc mất cân đối của nền kinh tế.
Khi “con đẻ” bị ... bỏ rơi?!
Hàng loạt các chính sách thiên vị cho các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài) đang khiến các doanh nghiệp (DN) trong nước... tủi thân với muôn vàn cái khó. Cái cớ ưu tiên và ưu đãi cho những "quả trứng vàng" đang khiến dư luận lo ngại về việc mất cân đối và lối sống "ăn bám" của một nền kinh tế đang trên đà phát triển ở Việt Nam.
"Nhất bên trọng, nhất bên khinh"
Để bắt đầu bài viết này, PV Báo Đời sống và Pháp luật xin được trích dẫn nguyên văn sự ví von của một chuyên gia kinh tế rằng: "Đã có một sự phân biệt hay đúng hơn là đối xử thiên vị cho các DN nước ngoài hơn các DN trong nước. Nhìn vào bức tranh tổng thể có thể thấy, DN nước ngoài như những chàng trai lực lưỡng còn DN trong nước lại như những ông lão già yếu, nhăn nheo, nhưng lạ là gã thanh niên lại luôn được ăn ngon và mặc đẹp...".
Chẳng thế mà, trong lần trả lời công khai trước công luận và người dân mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh phải thừa nhận: "... nếu chúng ta không quan tâm đúng mức, đầy đủ đối với khối DN trong nước thì dù có thu hút đầu tư nước ngoài tốt bao nhiêu thì kinh tế Việt Nam sẽ không phát triển được và bị lệ thuộc. Cho nên, trong thời gian tới, một trong những động lực để đất nước phát triển là phải quan tâm đến khối DN trong nước".
Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, tính đến cuối năm 2013, đã có gần 1.300 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký kinh doanh đạt gần 15 tỉ USD. Ngoài ra, cũng trong năm, có 472 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước đã điều chỉnh đăng ký bổ sung thêm vốn với tổng mức tăng thêm đạt 7,3 tỉ USD, tăng 30,8\% so với năm ngoái. Tổng hợp hai kết quả trên cho thấy, thu hút nguồn vốn FDI trong năm 2013 đạt khoảng 21,6 tỉ USD, tăng 54,5\% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong khi đó, nhìn bức tranh của các DN trong nước lại hết sức ảm đạm, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), năm 2013, dù tổng số DN đăng ký thành lập mới là gần 77.000 DN, nhưng cùng thời gian này có hơn 60.700 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động. Một lượng lớn trong số này là các DN ngừng hoạt động nhưng không đăng ký với cơ quan quản lý (40.116 đơn vị). Mặt khác, DN đăng ký thành lập mới trong năm nay tuy tăng về số lượng nhưng quy mô giảm, đạt 76.955 DN với tổng vốn đăng ký gần 400.000 tỉ đồng.
Tại khu vực Nhà nước, khảo sát hồi đầu năm cho thấy trong số hơn 2.800 DN, có 39 đơn vị đã ngừng hoạt động, chủ yếu do sản xuất thua lỗ kéo dài, năng lực quản lý, điều hành hạn chế, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, không tìm kiếm được thị trường hoặc đang thuộc diện bán hoặc chờ sắp xếp lại. So với năm 2000, số DN Nhà nước tại thời điểm 1/1/2013 bằng 54,4\%, giảm 2.624 DN.
Đáng chú ý, cùng một vấn đề nhưng các DN trong nước đang bị "lép vế" trong khi khối DN ngoại liên tục được ưu ái. Để rồi do khó khăn tiếp tục đè nặng, các DN nội địa luôn phải loay hoay trong kế hoạch sản xuất, thậm chí có nhiều DN "mất bóng" trong nhiều lĩnh vực. Đơn cử, hồi đầu tháng 7 năm ngoái, đã có thông tin về việc tập đoàn Samsung Electronics sẽ bỏ ra 96 tỉ đồng để mua lại 20\% cổ phần của CTCP TIE (TIE) là đối tác Việt Nam trong công ty liên doanh TNHH Điện tử Samsung Vina, biến Samsung Vina thành DN 100\% vốn nước ngoài. Như vậy, sau hơn 17 năm gắn bó, liên doanh này cũng "chia tay", cho dù có muộn hơn so với những thương hiệu trước đó như LG Electronics (Hàn Quốc), Sony Electronics (Nhật Bản)...
Một ví dụ đơn cử khác với trường hợp thôn tính của Samsung, các hãng điện tử của Nhật cũng lại có cuộc "tháo chạy" khỏi các cơ sở liên doanh sản xuất tại Việt Nam: Năm 2008, Sony tuyên bố dừng hoạt động nhà máy sản xuất tivi bóng đèn hình tại Việt Nam sau 14 năm tồn tại. Song, đến năm 2012, Sony mới hoàn tất các thủ tục rút khỏi liên doanh với CTCP Viettronics Tân Bình. Trong khi đó, một tên tuổi khác đến từ Nhật Bản như Toshiba cũng đã chấm dứt hợp đồng liên doanh với công ty Viettronics Thủ Đức vào năm 2006, sau 10 năm đặt chân vào Việt Nam để thành lập công ty 100\% vốn nước ngoài.
|
Việc đối xử mất cân đối "nội- ngoại" đang khiến các DN trong nước cảm thấy... "tủi thân". |
Không phải bài toán cộng trừ mà là bài toán lợi - hại
Trao đổi với PV Báo Đời sống và Pháp luật, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: "Một nền kinh tế chỉ phát triển được khi nào DN trong nước phát triển, nội lực phải tăng lên; còn đầu tư nước ngoài chỉ là hỗ trợ thôi. Những DN nước ngoài thì được xem như những "ông vua", được trải thảm đỏ mời gọi, được ưu đãi từ đất đai đến thuế phí...".
Ông Thành cũng phân tích: Chúng ta mời DN nước ngoài đầu tư là rất tốt, để họ cùng góp phần phát triển kinh tế. Đây là việc cần phải làm khi kinh tế trong nước chưa có vốn. Tuy nhiên, kêu gọi đầu tư cái gì, làm gì, làm lợi cho đất nước là bao nhiêu hay hại thế nào phải làm rõ. Hiện nay, có hiện tượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ồ ạt nhưng không tính đến vấn đề về xử lý ô nhiễm môi trường, nước thải...đều rơi vào ô nhiễm. Đầu tư nước ngoài không phải chỉ là vấn đề cộng trừ, nhân chia xuất khẩu được bao nhiêu mà cần phải có sự tính toán tổng quan là lợi gì, hại gì cho đất nước.
Trong khi đó, trả lời Báo Đời sống và Pháp luật, TS Mai Thanh Hải, Phó Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng: Việt Nam là một nước đang phát triển, có mức thu nhập trung bình thấp. Phân tích hiệu quả của đầu tư nước ngoài khi đóng góp cho nền kinh tế đều nhận thấy rằng, đó là một thành phần kinh tế quan trọng không thể thiếu. Đóng góp của nó vào xuất nhập khẩu, tỉ lệ tăng trưởng, xuất siêu, ứng dụng công nghệ cao... đã rất rõ. Nếu không có đầu tư nước ngoài thì chúng ta không thể có được những khu công nghiệp, các con đường do vốn ODA tài trợ hay các công trình có sự tham gia của các DN lớn ở nước ngoài... Các lĩnh vực đầu tư nước ngoài là một thành phần quan trọng đóng góp vào sự thay đổi của nước ta trong những năm qua.
Ông Hải cho rằng, sự ưu đãi đối với các DN nước ngoài, nếu có, thì vẫn nằm trong chiến lược phát triển chung chứ không phải có chính sách ưu đãi riêng. Nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực đầu tư vào thì chúng ta cũng phải có sự quan tâm, đón nhận... Chính vì vậy, các DN trong nước phải biết nắm bắt thời cơ, nếu chưa có đủ tiềm lực thì có thể "bắt tay", liên doanh, liên kết với các DN nước ngoài để học hỏi, cùng phát triển.
Tuy nhiên, ông Bùi Kiến Thành cũng đưa ra phản biện với câu hỏi: "Tại sao chúng ta không lo cho con cái chúng ta - những DN trong nước - mà lại chăm lo cho những "ông tây, bà đầm" ở các nước làm gì? Hàng vạn DN Việt Nam đang gặp khó khăn thì lại không được giải quyết".
Vị chuyên gia này cũng đưa ra câu trả lời, cần có sự cân nhắc khi cho DN nước ngoài tham gia đầu tư vào một số lĩnh vực. Có thể để họ phát triển công nghệ cao, công nghệ hiện đại... nhưng những lĩnh vực như xây nhà ở, bất động sản... thì nên tự dùng nhân lực của nước nhà. Những gì ở trong nước chúng ta có đủ năng lực thì nên giao cho các DN trong nước làm. Một mặt khác, chúng ta phải cải cách các thủ tục hành chính rườm rà để tạo thuận lợi cho các DN tư nhân. Có thực trạng, DN nước ngoài thuê đất hàng 70-80 năm thì dễ dàng nhưng DN Việt Nam thuê 100m2 để làm xưởng thì khó khăn lắm.
Cuộc đua ưu đãi để thu hút DN FDI Các địa phương trên cả nước đua nhau cải thiện các chính sách thực thi pháp luật cho các DN FDI. Chẳng hạn, TP. Cần Thơ bên cạnh việc miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất 50\% theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, thành phố còn gia hạn thời gian miễn giảm tăng thêm từ 3-6 năm so với quy định chung. Riêng các dự án thuộc dạng BOT, hợp đồng BT có vốn FDI, sẽ được miễn giảm tiền thuế sử dụng đất lên đến từ 8-15 năm. Mức thuế suất thu nhập DN giảm thêm 5\%. Các dự án đầu tư vào địa bàn khó khăn được giảm thuế từ 15-20\%. Tiền cho thuê đất từ 4 USD/m2/năm trước đây, hiện nay giảm còn 0,59 USD, phí sử dụng hạ tầng từ 2 USD trước đây, hiện giảm chỉ còn 0,2 USD/m2/năm. Trước đó, Bình Dương cũng phát đi thông báo tiếp tục ưu đãi tối đa cho dòng vốn FDI với nhiều chính sách cởi mở, thông thoáng hơn nữa. Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, hiện có 2.145 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 18 tỉ USD, chiếm hơn 14,7\% về số lượng dự án và hơn 8,5\% về vốn đầu tư so với cả nước. |
QUYẾT - HẠNH
Xem thêm clip: Ngư dân Lý Sơn quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền