Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nâng giảm khấu trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng: Thu nhập vẫn chưa theo kịp mức tăng của chỉ số tiêu dùng

(DS&PL) -

Thực hiện theo lộ trình, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vừa được quyết định.

Thực hiện theo lộ trình, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vừa được quyết định. Dù thừa nhận tác động tích cực của chính sách mới, chuyên gia về thuế vẫn cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh này vẫn lạc hậu so với thực tế giá cả không ngừng tăng.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét và quyết định đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức giảm trừ gia cảnh. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh sẽ nâng lên là 11 triệu đồng/tháng (không có người phụ thuộc); 15,4 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) và 19,8 triệu đồng/tháng (có 2 người phụ thuộc).

Đại diện bộ Tài chính đánh giá, việc điều chỉnh sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013.

Cuộc phỏng vấn của PV Đời sống & Pháp luật với ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, làm rõ nhiều vấn đề dư luận đang quan tâm.

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Dược.

Trong bối cảnh chúng ta vừa khôi phục kinh tế vừa duy trì chống dịch Covid-19 như hiện nay, ông đánh giá thế nào về việc điều chính mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế TNCN như phương án vừa được duyệt?

Thứ nhất, theo quy định tại luật Thuế TNCN sửa đổi, bổ sung năm 2012, khi chỉ số tiêu dùng tăng từ 20% trở lên thì Chính phủ có trách nhiệm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nâng mức giảm trừ gia cảnh.

Như vậy, căn cứ từ năm 2013 đến năm 2019, chỉ số tiêu dùng đã tăng 23% nên việc nâng mức giảm trừ gia cảnh như mới đây là phù hợp với quy định của pháp luật. Khi mức giảm trừ gia cảnh tăng lên thì khoản thu nhập phải đóng thuế TNCN của người lao động sẽ giảm xuống, đồng nghĩa với thuế TNCN giảm, đây là tín hiệu tốt.

Tuy nhiên, tôi cho rằng mức giảm trừ gia cảnh này mới chỉ phản ảnh được trong quá khứ, là sự bù đắp cho giai đoạn 2013 – 2019 chứ chưa theo kịp chỉ số tiêu dùng đang tăng trong năm 2020 và thời gian tiếp theo.

Ngoài ra, quy định hiện hành đang có nhược điểm, rằng khi chỉ số tiêu dùng phải tăng đủ 20% mới được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Nếu cũng theo lộ trình cũ thì phải đến năm 2026, chúng ta mới có thể tiếp tục điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Điều này khiến người nộp thuế luôn chịu thiệt thòi.

Thứ hai, trong bối cảnh hậu Covid-19, sự điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sẽ giúp đại đa số người dân đóng thuế ít hơn. Từ đó, thu nhập sau thuế được cải thiện, hỗ trợ đời sống xã hội một cách trực tiếp, đồng thời cũng là biện pháp kích cầu…

Nói cụ thể hơn, đối tượng chủ yếu nào sẽ được hưởng lợi từ quy định mới này, thưa ông?

Chính sách này sẽ ảnh hưởng đến người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Nó cũng tác động đến những cá nhân đang có thu nhập từ bậc 1 trở lên theo quy định cũ.

Còn các đối tượng có thu nhập từ kinh doanh (hộ cá nhân kinh doanh, có nhà cho thuê hay tài xế xe công nghệ,…) thuộc đối tượng nộp thuế theo tỷ lệ trực tiếp trên doanh thu. Hay nói cách khác, tỷ lệ thuế trên doanh thu đã được Nhà nước tính cho họ mức chi phí phải bỏ ra.

Tuy nhiên, câu chuyện sẽ đặt ra theo hướng khác, mức giảm trừ gia cảnh tăng lên 11 triệu đồng/tháng, tức là 133 triệu đồng/năm. Thế nhưng các tài xế xe công nghệ như Grab có mức thu nhập trên 100 triệu/năm đã phải đóng thuế kinh doanh.

Nhằm giải quyết sự chênh lệch này, trong tương lai cần phải sửa quy định luật TNCN, kéo doanh thu lên mức 130 triệu/năm mới phải đóng thuế để các chính sách đồng bộ giữa lao động tiền lương và cá nhân kinh doanh. Như vậy, cách tính thuế đối với cả người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công và từ hoạt động kinh doanh tự do mới công bằng. Đáng tiếc rằng việc này nằm ngoài thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên chúng ta vẫn phải chờ.

Theo lý giải của bộ Tài chính, mức giảm này để áp dụng đại trà, không phân biệt nông thôn hay thành thị. Ông nhận xét ra sao khi có ý kiến cho rằng điều này đang bất cập so với thực tế?

Về nguyên tắc, nếu chúng ta nhìn nhận ở một khía cạnh nào đó, với quy mô nhỏ thì có thể cho rằng điều này là không phù hợp. Thế nhưng, quy định của pháp luật phải có tính phổ quát cho tất cả các đối tượng, nên rất khó so sánh như vậy.

Cũng giống như xử lý hành chính, không thể cùng một lỗi vi phạm mà khu vực thành thị có mức phạt cao hơn nông thôn. Trong trường hợp này, chúng ta có thể ứng xử, Nhà nước sẽ chịu thiệt. Cụ thể, thu nhập của nông thôn không cao bằng khu vực thành thị nên mức giảm trừ gia cảnh được đẩy lên, gần với thực tế tại thành thị để giúp nông thôn hưởng lợi. Từ đó, hai khu vực ngày càng kéo gần nhau hơn, xóa bỏ khoảng cách.

Chính phủ cũng cho biết, sẽ có khoảng 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân với mức giảm trừ mới. Từ đó, ngân sách Nhà nước hụt thu khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ông cho rằng sự ảnh hưởng này sẽ tác động ra sao đến xã hội?

Về mặt ngắn hạn, chắc chắn ngân sách Nhà nước sẽ bị thâm hụt nhưng lâu dài là yếu tố tích cực. Nếu nhìn tổng thế, khi chỉ số tiêu dùng tăng lên tức là thu nhập của người dân sẽ tăng lên, sẽ có thêm một bộ phận khác sẽ phải đóng thuế.

Bên cạnh đó, những người được miễn đóng thuế theo mức giảm trừ mới sẽ có thêm tiền để chi tiêu, mua sắm nên sẽ kích cầu, từ đó Nhà nước thu các khoản thuế gián thu như thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Giá trị gia tăng,…Như vậy, chính sách này đang nuôi dưỡng nguồn thu và đảm bảo quyền lợi người nộp thuế, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn có dịch bệnh Covid-19.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Nhân

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số (21)

Tin nổi bật