Theo BSCKII. Vương Đình Thủy, Phòng Rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai hiện đang điều trị bệnh nhân nam 32 tuổi tên N.V.H (trú tại Nam Định) tái phát tâm thần phân liệt. Trước đó, anh H được gia đình cho tới viện khám và chỉ định phải nhập viện điều trị vì “luôn cho rằng mọi người muốn hại mình”.
Bác sĩ thăm khám điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt. Ảnh: Báo Người Lao Động
Người nhà bệnh nhân chia sẻ, anh H vốn khỏe mạnh, hiền lành, hướng nội, ít bạn bè và trong gia đình không ai có bệnh lý tâm thần mãn tính.
Tuy nhiên, cách đây 2 năm, người nhà bắt đầu thấy anh H chậm chạp hơn, ít nói, hay mệt hơn, ngại giao tiếp hơn ngay cả với anh em họ hàng. Người nhà nghĩ là anh H bị trầm cảm, muốn đưa anh H đi khám, tuy nhiên anh H không chịu.
Tình trạng kéo dài khoảng 2 tháng, anh H thỉnh thoảng cáu gắt không hợp lý, có lúc lại lẩm bẩm 1 mình không rõ nội dung. Trầm trọng hơn khi anh H cho rằng người nhà đang theo dõi, giám sát mình, thậm chí âm mưu hại mình. Đến lúc này, gia đình buộc cưỡng chế đưa anh H tới khám tại Viện Sức khỏe tâm thần và được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt thể paranoid, dẫn nguồn báo Giao Thông.
Liên quan đến bệnh lý về tâm thần phân liệt, vào chiều 20/3, tại hội thảo trao đổi chuyên môn về rối loạn tâm thần phân liệt, tiến sĩ - bác sĩ Vũ Thy Cầm, Trưởng Phòng Tâm lý lâm sàng, Viện sức khỏe tâm thần (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) cho biết tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng. Bệnh tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính. Đáng nói là bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi và người trong độ tuổi lao động.
Người bệnh mắc tâm thần phân liệt sẽ có các triệu chứng điển hình như: tách dần khỏi cuộc sống bên ngoài, thu dần vào thế giới bên trong, tình cảm khô lạnh, học tập làm việc sút kém, hành vi, ý nghĩ kỳ dị khó hiểu…, theo Người Lao Động.
Theo các chuyên gia về tâm lý học, bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt nếu can thiệp muộn dẫn nhiều hậu quả đáng tiếc. Nếu bệnh nhân tái phát nhiều lần dễ dẫn đến tổn thương não, thời gian điều trị kéo dài, khó điều trị, đáp ứng thuốc kém.
Việc can thiệp muộn, còn tăng nguy cơ bệnh nhân tự sát, ngoài ra, trong giai đoạn cấp, bệnh có thể hoang tưởng, ảo giác, dễ kích động dẫn tới có hành vi gây tổn hại đến người xung quanh.
Vì vậy cần phát hiện sớm bệnh và điều trị bệnh tích cực, dứt điểm để tránh trường hợp bệnh nhân để lâu hoặc bệnh nhân tái phát bệnh nhiều lần gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị và ảnh hưởng đến an toàn những người xung quanh./.
Thùy Dung (t/h)