Mắt trái của Mike Krumholz (21 tuổi, ở Florida, Mỹ) có thể sẽ không bao giờ thấy lại ánh sáng sau khi nam sinh viên này bị nhiễm một loại ký sinh trùng hiếm gặp.
Mike kể lại với Insider rằng, ngày 19/12/2022, cậu chợp mắt khoảng 40 phút sau ca làm việc ở một trung tâm chăm sóc trẻ em trong khi vẫn đeo kính áp tròng dùng một lần. Sau khi tỉnh giấc, cậu mới đi tắm và tháo kính áp tròng ra rồi lại chìm vào giấc ngủ.
Một ngày sau đó, Mike thức dậy với tình trạng bị ngứa mắt, chảy nước mắt và chảy nước mũi bên mũi trái. Tình trạng khó chịu ở mắt trở nên tồi tệ hơn vào ban ngày. Nam sinh viên uống thuốc dị ứng do nghĩ mình bị dị ứng với những con chó của gia đình nhưng không có tác dụng.
Tự nhận mình là một người đam mê thể thao, Mike đã chơi bóng chày cho đội bóng ở trường đại học vào ngày hôm đó nhưng mắt trái của cậu đã bị kích thích. Ngay ngày hôm sau, cậu đến gặp bác sĩ nhãn khoa và lập tức được giới thiệu đến một chuyên gia.
Vị chuyên gia này cho rằng Mike bị nhiễm virus Herpes simplex và kê cho cậu thuốc kháng virus. Tuy đã được điều trị nhưng mắt của Mike bị viêm đến mức cậu phải nhắm mắt lại và la hét trong đau đớn.
Cảm thấy lo lắng và sợ hãi, Mike đến gặp một bác sĩ khác nhưng người này cũng cho rằng nguyên nhân là virus Herpes simplex và tăng liều lượng thuốc kháng virus mà cậu đang sử dụng.
Nam sinh viên tiết lộ trong trường hợp khả quan nhất, ký sinh trùng sẽ được loại bỏ trong 6 tháng và cậu có thể tiến hành cấy ghép giác mạc để khôi phục phần nào thị lực. Ảnh: Michael Krumholz
Đến ngày 31/1/2023, hơn một tháng sau khi Mike phát hiện các triệu chứng đầu tiên, các bác sĩ đã gọi cho Mike và thông báo mẫu vật lấy ra từ mắt của cậu hôm 17/1 dương tính với Acanthamoeba. Đồng thời, họ kê cho nam sinh viên một loại thuốc nhỏ mắt mới.
Bác sĩ chẩn đoán Mike bị nhiễm trùng mắt hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có khả năng gây mù lòa. Bệnh còn được gọi với cái tên viêm giác mạc do Acanthamoeba. Nam sinh viên cho rằng, việc đi ngủ mà không tháo kính áp tròng, dù chỉ trong thời gian ngắn, có thể đã tạo điều kiện để vi khuẩn Acanthamoeba siêu nhỏ lây nhiễm vào giác mạc.
Ngày 10/2/2023, các bác sĩ tiến hành liệu pháp ánh sáng nhằm ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng phát triển và củng cố collagen của giác mạc. Bên cạnh đó, họ lấy mô khỏe mạnh từ phần trắng trong mắt của Mike để cố gắng chữa lành giác mạc bị nhiễm trùng.
Sau khoảng 1 tuần, các bác sĩ thông báo mắt của Mike đang lành. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh đã khiến cậu không thể rời khỏi phòng ngủ, sống với bóng tối khi cửa và rèm được đóng kín trong khoảng 1 tháng.
Nam sinh viên kể, cậu vẫn bị đau dữ dội giống như “một tia sét” chạy từ say gáy lên đỉnh đầu và vào mắt trái, kéo dài khoảng 30 phút. Sau đó, cậu sẽ cảm thấy khó chịu giống như bị “cát bay vào mắt” trong 24 tiếng tiếp theo. Nước đá có thể giúp Mike giảm đau trong giây lát.
Theo chia sẻ của Mike, các bác sĩ nói rằng trong trường hợp khả quan nhất, ký sinh trùng sẽ được loại bỏ hoàn toàn trong vòng 6 tháng. Lúc này, Mike có thể tiến hành cấy ghép giác mạc để loại bỏ phần mắt bị nhiễm trùng và có thể bị tổn thương bởi các loại thuốc mạnh được dùng trong điều trị. Trong bài đăng trên Twitter hồi tháng 3/2023, Mike cho biết việc cấy ghép sẽ khôi phục phần nào thị lực của cậu.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thông tin, viêm giác mạc do Acanthamoeba rất khó điều trị và chẩn đoán. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh này, phổ biến nhất là ở những người đeo kính áp tròng. Hàng năm, trung bình cứ 500 người sử dụng kính áp tròng thì có một người bị nhiễm trùng mắt nghiêm trọng có nguy cơ gây mù lòa.
Theo nghiên cứu, bệnh viêm giác mạc do Acanthamoeba có thể dễ dàng chẩn đoán nhầm với Herpes simplex vì các triệu chứng tương tự nhau. Các triệu chứng bao gồm đau mắt, đỏ mắt, mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, cảm giác có vật gì đó trong mắt và chảy nước mắt nhiều.
CDC Mỹ khuyến nghị tháo kính áp tròng trước khi thực hiện bất cứ hoạt động nào liên quan đến nước như tắm vòi hoa sẽn, dùng bồn tắm nước nóng hoặc bơi lội nhằm ngăn ngừa viêm giác mạc do Acanthamoeba. Ngoài ra, không nên ngủ trong khi vẫn đeo kính áp tròng vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Tiến sĩ Anat Galor – phát ngôn viên của Học viện Nhãn khoa Mỹ, giáo sư nhãn khoa ở Đại học Miami (Mỹ) cho rằng, vi khuẩn nấm hoặc ký sinh trùng sống trong môi trường có thể phát triển trên kính áp tròng. Dù vậy, vị chuyên gia khẳng định kính áp tròng vẫn an toàn khi được đeo và chăm sóc đúng cách.
“Đó có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, có thể là do tôi đã tắm khi vẫn đeo kính áp tròng. Tuy nhiên, các bác sĩ tin rằng nguyên nhân là do tôi đi ngủ mà không tháo kính ra. Tôi biết thị lực của mình sẽ không còn như trước nữa nhưng chưa rõ sẽ khôi phục được đến mức nào”, Mike nói. Nam sinh viên đã chia sẻ câu chuyện của bản thân với mong muốn nâng cao nhận thức của mọi người.
Đinh Kim (Theo Insider)