Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người đàn ông 42 tuổi ngộ độc nguy kịch sau khi ăn so biển

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Sau khi ăn so biển khoảng 1 tiếng, người đàn ông thấy tê bì môi, lưỡi, đầu ngón chân, tay, nôn kèm khó nói và cảm giác khó thở tăng dần.

Ngày 4/4, bác sĩ CKII Hà Mạnh Hùng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết vừa cấp cứu thành công nam bệnh nhân N.V.T (42 tuổi, trú tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) ngộ độc nguy kịch, suy hô hấp biến chứng ngừng tuần hoàn do ngộ độc khi ăn so biển, theo VTC News.

Được biết, bệnh nhân làm nghề chài lưới. Sau khi ăn so biển tại nhà khoảng 1 tiếng, người bệnh thấy tê bì môi, lưỡi, đầu ngón chân, tay, nôn kèm khó nói, cảm giác khó thở tăng dần.

Được đưa đến trung tâm y tế tuyến dưới cấp cứu trong tình trạng liệt tứ chi, suy hô hấp, bệnh nhân bất ngờ ngừng tim, ngừng thở. Người bệnh được kíp trực cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp tích cực, sau khoảng 3 phút có tái lập tuần hoàn tự nhiên.

Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, bóp bóng có oxy hỗ trợ, duy trì thuốc vận mạch và được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân hiện đã tỉnh táo hoàn toàn, mạch huyết áp ổn định, giao tiếp tốt. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Tại thời điểm vào khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, bệnh nhân ở trong tình trạng hôn mê sâu, gọi hỏi không đáp ứng, đồng tử hai bên giãn 5mm, phản xạ ánh sáng kém, thở hoàn toàn theo nhịp bóp bóng qua ống nội khí quản, mất vận động tứ chi, cơ lực 0/5, mạch 120 lần/ phút, huyết áp 150/90 mmHg.

Trước tình thế khẩn cấp, các bác sĩ đã điều trị theo phác đồ, rửa dạ dày, dùng các thuốc hạn chế hấp thu độc tố (than hoạt tính và sorbitol), thở máy hỗ trợ hô hấp, đảm bảo chức năng tuần hoàn bằng thuốc vận mạnh, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, kiểm soát cân bằng dịch và điện giải, đặt catheter động mạch theo dõi huyết áp động mạch xâm nhập liên tục.

Sau thời gian chăm sóc và điều trị tích cực, bệnh nhân hiện đã tỉnh táo hoàn toàn, mạch huyết áp ổn định, giao tiếp tốt, cơ lực phục hồi, vận động chân tay bình thường, còn choáng nhẹ.

"Bản thân tôi là dân thuyền chài, trước đó từng bắt và ăn so biển vài lần thấy không sao nên chủ quan. Tuy nhiên, lần này ăn so biển được một lúc thì tôi thấy tê đầu lưỡi, dần dần tê xuống cả chân tay, nôn mửa, đi không vững, cho đến khi nhập viện không còn tỉnh táo nữa...", báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời kể của người bệnh.

Theo chia sẻ của đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, hàng năm đơn vị tiếp nhận không ít trường hợp ngộ độc hải sản. Trong số đó, có những ca ngộ độc nặng, nguy kịch do ăn so biển như trường hợp nói trên.

Tetrodotoxin là chất độc trong loài so biển, tác động lên thần kinh trung ương, có khả năng gây liệt cơ, đặc biệt nguy hiểm làm liệt cơ hô hấp, có thể gây tử vong nhanh chóng. Đáng chú ý, độc tính này không bị phá hủy bởi nhiệt nên dù có nấu chín, đun sôi thì người ăn vẫn có nguy cơ ngộ độc cao.

Người bị ngộ độc sẽ có các biểu hiện tê bì môi lưỡi, dị cảm vùng mặt, chóng mặt, nôn thốc, nặng hơn là liệt cơ chân tay, không cử động được, thậm chí có thể gây liệt cơ hô hấp dẫn đến suy hô hấp, ngừng thở, làm rối loạn nhịp tim ảnh hưởng chức năng tuần hoàn, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu, xử trí kịp thời.

Bác sĩ Hà Mạnh Hùng cho biết, độc tố ở so biển tập trung nhiều tại trứng, gan, mật, ruột. Khi ăn so biển, chất độc Tetrodotoxin sẽ hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện sau ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ, muộn nhất là 6 giờ.

Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu cho loại ngộ độc này. Các bác sĩ chủ yếu điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế: giảm hấp thu độc tố bằng rửa dạ dày kết hợp uống than hoạt, thuốc nhuận tràng, kiểm soát các chức năng hô hấp, tuần hoàn và các cơ quan khác chờ độc tố được đào thải...

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật