Theo tin tức trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, Hội nghị diễn ra chiều 3/1 được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài Chính, Ủy quan Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; đại diện Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Các Hiệp hội, doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước.
Dưới sự điều hành của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Phan Văn Chinh đã báo cáo về tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 và phân giao tổng nguồn năm 2024.
Quang cảnh Hội nghị của Bộ Công Thương. Ảnh: Bộ Công Thương.
Theo đó, năm 2023, việc điều hành xăng dầu trong nước của Bộ Công Thương và thực hiện tổng nguồn phân giao của các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: Tình hình kinh tế thế giới và trong nước hồi phục chậm hơn so với dự báo, tình hình biến động khó lường của thị trường xăng dầu thế giới; Bộ Công Thương điều chỉnh tăng tổng nguồn phân giao tối thiểu cho các doanh nghiệp nhằm đảm bảo nguồn hàng khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dừng sản xuất trong 55 ngày để bảo dưỡng bắt đầu từ ngày 25/8; Tình hình kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, GDP cả năm 2023 dự kiến chỉ tăng 5% (kế hoạch năm 2023 GDP tăng 6,5%) đã ảnh hưởng đến mức tiêu thụ xăng dầu trong nước.
Báo cáo khẳng định, căn cứ kết quả nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu năm 2023; căn cứ vào đăng ký tổng nguồn của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu năm 2024, khả năng nhập khẩu, pha chế, mua từ nguồn sản xuất trong nước của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã cân đối nguồn cung, cơ cấu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng năm 2024. Theo đó, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 tổng cộng gần 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Trong diễn biến của Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng được nghe và tiếp thu ý kiến của đại diện Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đại diện Ủy ban nhân dân, Sở công Thương các tỉnh, thành phố và một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2023 và các giải pháp triển khai đảm bảo nguồn cung xăng dầu năm 2024, các thuận lợi, khó khăn và một số đề xuất, kiến nghị.
Ghi nhận các ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thống nhất nhận định năm 2023 là năm vô cùng khó khăn với nền kinh tế của thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là hiện tượng đứt gãy nguồn cung, giá cả thiếu ổn định của các mặt hàng chiến lược, trong đó có xăng dầu, nhưng việc cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước bảo đảm thực hiện khá tốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tư lệnh ngành Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Cụ thể, một số doanh nghiệp đầu mối chưa chấp hành nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn tối thiểu; chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như: kho, bãi, dự trữ thương mại tối thiểu, chấp hành nghĩa vụ thuế hay là quản lý và sử dụng quỹ bình ổn…; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu có lúc có nơi thực hiện chưa tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo còn nhiều khó khăn, nguồn cung và giá cả hàng hóa khó đoán định, Bộ trưởng cho rằng cần có một phương án dự phòng để trong mọi tình huống đều thực hiện được mục tiêu đặt ra. Người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh trong mọi tình huống, không được để thiếu nguồn cung về xăng dầu, không được để đứt gãy, kể cả là cục bộ.
Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước dự báo sẽ còn tăng, thậm chí là tăng đột biến. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích và cho rằng, kịch bản điều hành của chúng ta không phải là hàng năm mà phải từng tháng và hàng quý. Kế hoạch này cũng điều chỉnh một cách linh hoạt, lấy kết quả của tháng này làm cơ sở để xem xét kế hoạch điều hành cho những tháng tiếp theo.
Để khắc phục nhưng khó khăn trước mắt, ông Diên đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ xăng dầu cần quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành. Đặc biệt quy định về việc áp dụng phần mềm quản lý để bảo đảm khách quan, minh bạch, xuất hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình kịp thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, kể cả những cơ chế đặc thù để bảo đảm không bị đứt gãy nguồn cung xăng dầu.
"Đặc biệt không để các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó xử, khó hoạt động, thậm chí vi phạm pháp luật", ông Diên lưu ý.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị Chính phủ, trong khi chưa sửa toàn diện Nghị định về kinh doanh xăng dầu, có thể xem xét xử lý một số tình huống khẩn cấp (nếu có) và những vướng mắc, bất cập theo cơ chế thị trường, tạp chí điện tử Tri thức đưa tin về hội nghị của Bộ Công thương.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 1437/CĐ- về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2024 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trước ngày 31/12/2023; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường và yêu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp bảo đảm chủ động. "Tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội", công điện của Thủ tướng nhấn mạnh. |
Bảo An (T/h)