Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, chính phủ dự kiến bố trí ngân sách để tăng lương cơ sở năm 2020 lên mức 1,6 triệu đồng/tháng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình - Ảnh: Công lý |
Công lý đưa tin, chiều 21/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, thừa uỷ quyền Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo Quốc hội về thực hiện ngân sách năm 2019, kế hoạch năm 2020.
Liên quan đến chi ngân sách nhà nước 2020, Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ dự kiến bố trí ngân sách để tăng lương cơ sở năm 2020 lên mức 1,6 triệu đồng một tháng. So với mức hiện tại 1,49 triệu đồng, lương cơ sở sẽ tăng thêm khoảng 110.000 đồng một tháng, tương đương tăng 7%. Trước đó, từ ngày 1/7 lương cơ sở vừa tăng lên mức 1,49 triệu đồng một tháng, thêm 110.000 đồng so với năm 2018.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải, cho biết, đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc tăng lương vì "có thể làm chi ngân sách mang tính chi tiêu dùng nhiều hơn chi cho đầu tư phát triển, khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán ngân sách địa phương và 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương".
Một số ý kiến đề nghị tăng phụ cấp công vụ, vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%; đề nghị dành một phần nguồn lực để tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993, vì mức thu nhập của các đối tượng này khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị, Chính phủ cần tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí bằng các hoạt động thực chất, hiệu quả hơn nhằm tăng nguồn lực cho chi đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển.
Để thực hiện tốt việc tăng lương cơ sở trong năm 2020, cơ quan thẩm tra đề nghị các ngành, các cấp cần tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí. "Chính phủ cần rà soát, bảo đảm phù hợp đặc thù từng ngành, nghề với các khoản phụ cấp, thu nhập có tính chất lương", ông Nguyễn Đức Hải cho hay.
Trong khi đó, theo VOV, cũng trong chiều nay, Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về việc xin gia hạn sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.
Năm 2015, cả nước có 38 tỉnh, thành phố và bộ Quốc phòng có kết dư quỹ khám chữa bệnh với tổng số gần 5.840 tỷ đồng. Theo Luật bảo hiểm y tế, 20% số tiền kết dư này là trên 1.160 tỷ đồng được để lại cho địa phương sử dụng vào việc hỗ trợ quỹ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 518,4 tỷ đồng đã quá thời hạn thanh toán sau 12 tháng của 11 địa phương và đề nghị Quốc hội cho phép được kéo dài thời hạn sử dụng kinh phí đến năm 2020.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày nêu rõ nếu không cho phép kéo dài và thu hồi số kinh phí này về quỹ dự phòng sẽ dẫn đến các địa phương không có nguồn để tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký kết, cũng như các địa phương phải bồi thường thiệt hại cho đơn vị cung cấp hợp đồng.
“Trên cơ sở của ý kiến đa số, Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ kiến nghị đưa nội dung này vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8. Cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020, tổng số tiền là 518.389 triệu đồng. Sau thời điểm này, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán vào quỹ dự phòng để điều tiết chung theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế”, ông Nguyễn Đức Hải nêu rõ.
Ngoài ra, Quốc hội nghe Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước và Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Quỳnh Chi (T/h)