Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mỹ và phương Tây tung hàng loạt gói viện trợ mới cho Ukraine nhân dịp Ngày Độc lập

(DS&PL) -

Mỹ và các nước phương Tây đã công bố hàng loạt gói viện trợ mới cho Ukraine trong dịp kỷ niệm Ngày Độc lập của nước này.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, Mỹ cùng các nước phương Tây "kỷ niệm Ngày Độc lập Ukraine (24/8) với các gói viện trợ mới".

Ngày 24/8 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden "tự hào" công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất gần 3 tỷ USD cho Ukraine: "Tôi tự hào thông báo về chương trình hỗ trợ an ninh lớn nhất của chúng tôi cho đến nay. Khoảng 2,98 tỷ USD vũ khí và thiết bị sẽ được cung cấp theo Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI)".

Theo đó, Ukraine sẽ nhận được từ Mỹ 6 hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS, 245.000 đạn pháo cỡ nòng 155mm, 65.000 đạn cối cỡ nòng 120mm, 24 radar phản pháo, các hệ thống máy bay không người lái (UAV) Puma, linh kiện hỗ trợ cho UAV Scan Eagle, tổ hợp thiết bị chống UAV VAMPIRE, tên lửa dẫn đường bằng tia laser, cùng ngân sách cho việc huấn luyện và bảo trì.

Hãng tin AP cho biết, kế hoạch viện trợ mới sẽ mua vũ khí từ ngành công nghiệp của Mỹ thay vì cung cấp chúng từ các kho dự trữ vũ khí hiện có của nước này. Tuy nhiên, quá trình này có thể mất nhiều thời gian, phụ thuộc vào tình trạng dây chuyền chế tạo vũ khí, năng lực xuất xưởng và khả năng điều chỉnh thời gian biểu của nhà sản xuất.

"Mỹ cam kết tiếp tục sát cánh cùng người dân Ukraine trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ", Tổng thống Biden khẳng định.

Kể từ tháng 1/2021, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine nhiều khoản hỗ trợ vũ khí trị giá lên tới 13,5 tỷ USD, qua đó trở thành nhà tài trợ quân sự lớn nhất của Kiev. Tính từ năm 2014, số tiền viện trợ quân sự của Washington cho Kiev đã lên tới 15,5 tỷ USD.

Một chuyến viện trợ quân sự của Mỹ đến sân bay Boryspil, Ukraine. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Cũng trong Ngày Độc lập Ukraine, Downing Street xác nhận Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến Kiev và công bố gói viện trợ mới trị giá hơn 60 triệu USD, bao gồm 850 máy bay không người lái siêu nhỏ.

Chính phủ Đức ngày 23/5 cho biết, Berlin sẽ viện trợ quân sự cho Kiev lên tới gần 500 triệu USD. Theo báo cáo của Công ty Deutsche Presse, khoản viện trợ quân sự mới sẽ bao gồm 3 bộ hệ thống phòng không tầm xa, hơn chục xe bọc thép và 20 bệ phóng tên lửa.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 23/8 cũng thông báo rằng sẽ cung cấp 3,85 triệu USD cho hai dự án của Ukraine để hỗ trợ sự phát triển của Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Ukraine và các dịch vụ khẩn cấp khác, cũng như cung cấp cố vấn quân sự cho bộ Quốc phòng đất nước Đông Âu này.

Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một bài phát biểu: "Mùa đông đang đến và sẽ rất khó khăn. Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là một cuộc chiến tiêu hao. Đó là cuộc chiến của ý chí và cũng là trận chiến về hậu cần. Vì vậy, chúng ta phải duy trì sự ủng hộ của mình đối với Ukraine trong thời gian dài".

Trước những khoản viện trợ khổng lồ mà Mỹ và phương Tây gửi cho Ukraine, Nga đã nhiều lần tuyên bố sẽ coi các vũ khí phương Tây viện trợ là "mục tiêu tấn công hợp pháp", đồng thời cảnh báo nguy cơ những khí tài này có thể bị tuồn ra "chợ đen" hoặc lọt vào tay các nhóm tội phạm và điều này có thể gây tổn hại tới an ninh của châu Âu cũng như thế giới.

Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine". Sau 6 tháng chiến sự, Nga gần như không còn duy trì đà tiến công trên chiến trường, mà chủ yếu củng cố phòng thủ tại các vùng lãnh thổ đã kiểm soát được ở miền đông và miền nam Ukraine.

Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu)

Tin nổi bật