Ngày 10/10, Nga tuyên bố sẽ cho phép Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland thực hiện chuyến thăm để đàm phán, dù trước đó đã từng đưa bà vào danh sách đen trừng phạt, sau khi Washington nhất trí dỡ bỏ hạn chế tương tự được áp đặt đối với một công dân Nga.
Bà Nuland, người dự kiến có mặt Moskva từ ngày 11-13/10, thực hiện chuyến thăm Nga vào thời điểm quan hệ chính trị giữa hai nước vô cùng căng thẳng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Joe BIden. Ảnh: AFP.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Nuland sẽ gặp các quan chức cấp cao nhằm thảo luận các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu.
"Trên thực tế, bà (Nuland) nằm trong danh sách trừng phạt của chúng tôi, đồng nghĩa với việc bà không được nhập cảnh. Họ (Mỹ) đã đưa các đại diện và chuyên gia chính sách đối ngoại của Nga vào danh sách trừng phạt. Vì vậy, trong trường hợp này, vấn đề được giải quyết trên cơ sở bình đẳng. Đúng vậy, bà ấy sẽ có mặt tại Nga", Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Hồi tháng 4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga coi bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ cũng là bất hợp pháp và sẽ đáp trả.
Mỹ lần đầu tiên áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế đáng kể đối với Nga vào năm 2014 để đáp trả việc Moskva sáp nhập Crimea và hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, nhằm vào các ngân hàng và công ty năng lượng của Nga. Những lệnh trừng phạt này được bổ sung trong những năm qua.
Các lệnh trừng phạt cùng giá dầu lao dốc đã bóp nghẹt nền kinh tế Nga trong một thời gian, nhưng Moskva đã thích ứng bằng cách cắt giảm chi tiêu công, thay thế hàng hóa nhập khẩu nước ngoài bằng hàng hóa trong nước và dựa vào nguồn thu từ khí đốt, dầu mỏ.
Trong cuộc điện đàm ngày 13/4 với Tổng thống Vladimir Putin, Tổng thống Biden đã đề xuất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh song phương tại một nước thứ ba.
Sau đó, hai vị lãnh đạo đã có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Thụy Sĩ tối 16/6. Mặc dù cả Moscow và Washington vẫn chưa thể khôi phục lòng tin lẫn nhau nhưng cả hai bên đều công nhận sự cần thiết phải có mối quan hệ hợp tác để căng thẳng không leo thang hơn nữa.
Giới quan sát nhận định, bất chấp cuộc gặp thượng đỉnh khó mang lại thay đổi lớn, việc các bên sẵn sàng lắng nghe quan điểm của nhau về các vấn đề còn những khác biệt là điểm khởi đầu tích cực, có thể tạo ra cơ hội cho các cuộc đối thoại tiếp theo về những giải pháp cụ thể hơn nhằm cải thiện quan hệ song phương.
Mộc Miên (T/h)