CNN ngày 3/3 dẫn lời một quan chức Mỹ và một nguồn tin từ Quốc hội Mỹ, cho biết Mỹ đã lần đầu tiên chuyển giao hàng trăm tên lửa phòng không Stinger cho Ukraine, gồm hơn 200 quả vào hôm thứ Hai (1/3).
Tên lửa phòng không Stinger. Ảnh: Lục quân Mỹ
Đầu năm nay, Mỹ đã bật đèn xanh cho các nước Baltic, bao gồm Lithuania, Latvia và Estonia, gửi vũ khí do Mỹ sản xuất mà họ có tới Ukraine, kể cả tên lửa Stinger, NBC News đưa tin. Nhưng đến nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa trực tiếp cung cấp Stinger cho Ukraine, mà chỉ trực tiếp cung cấp các loại vũ khí sát thương khác. Một số nghị sĩ Mỹ đã thúc đẩy việc gửi thêm tên lửa Stinger tới Ukraine trong nhiều tháng. Ukraine đã nhiều lần xin thêm vũ khí từ Mỹ, bao gồm tên lửa phòng không và chống tăng.
Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken nói với các phóng viên hôm 2/3 rằng, tại thời điểm này Ukraine vẫn có thể nhận được “thiết bị quân sự phòng thủ quan trọng” mà họ cần. Có nhiều thế hệ Stinger khác nhau mà Mỹ sản xuất và các quan chức Mỹ không cung cấp mẫu tên lửa mới nhất cho Ukraine vì sợ chúng rơi vào tay người Nga, bị đánh cắp công nghệ.
Theo Reuters, bộ Kinh tế Đức đã phê chuẩn cấp 2.700 tên lửa phòng không Strela sản xuất từ thời Liên Xô cho Ukraine. Nguồn tin cho hay, hiện Hội đồng An ninh Liên bang Đức chưa phê duyệt kế hoạch này. Tuy nhiên, nguồn tin nói: "Các tên lửa đã sẵn sàng chuyển giao".
Trước đó ít ngày, Đức cũng đã thông báo sẽ chuyển giao 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger cho Ukraine, đánh dấu sự thay đổi trong quan điểm trước đây của họ về việc không gửi vũ khí tới Ukraine trong bối cảnh khủng hoảng ở Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan, tối 3/3, vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine đã kết thúc, hai bên đồng ý về các hành lang nhân đạo, cũng như khả năng ngừng bắn.
Trợ lý của Tổng thống Nga, Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky gọi các thỏa thuận đạt được với phía Ukraine sau kết quả của vòng đàm phán thứ hai là một tiến bộ đáng kể.
“Các bên đại diện bộ Quốc phòng Liên bang Nga, bộ Quốc phòng Ukraine đã nhất trí về định dạng của chế độ duy trì hành lang nhân đạo cho việc rút đi của dân thường, có thể tạm thời chấm dứt các hành động chiến đấu trong khu vực hành lang nhân đạo trong thời gian dân thường thoát ra. Tôi tin rằng, đây là tiến bộ đáng kể”, ông Medinsky cho hay.
Còn một đại diện khác của phái đoàn Nga, người đứng đầu ủy ban của Duma Quốc gia về các vấn đề quốc tế Leonid Slutsky cho biết, các thỏa thuận đạt được giữa Nga và Ukraine sẽ được củng cố và sau đó thủ tục phê chuẩn quốc gia sẽ được thực hiện. Theo ông, vòng đàm phán thứ ba đã được lên kế hoạch.
Trong khi đó, đại diện của phái đoàn Ukraine Mikhail Podolyak, cố vấn của người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, các bên đã đạt được sự hiểu biết về vấn đề hành lang nhân đạo với một lệnh ngừng bắn tạm thời. Hai bên đã đồng ý tiếp tục làm việc trong vòng thứ ba của cuộc đàm phán càng sớm càng tốt.
Hoa Vũ (T/h)