Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã đệ trình đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) cho quốc gia này vào ngày 28/2 (giờ địa phương). Tuy nhiên, việc trở thành một thành viên EU là một quá trình phức tạp và có thể đến mất nhiều năm, India Today đưa tin.
Ông Zelenskyy đã yêu cầu EU cho phép đất nước của ông trở thành thành viên "ngay lập tức" theo một thủ tục nhanh chóng đặc biệt.
Một quan chức cấp cao của EU nói rằng các nhà lãnh đạo của khối có thể thảo luận về khả năng trở thành thành viên của Ukraine tại một hội nghị thượng đỉnh không chính thức vào tháng 3 này.
Việc trở thành thành viên của EU là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian. Croatia là quốc gia cuối cùng gia nhập khối và quá trình đăng ký của nước này kéo dài 10 năm trước khi được chính thức chấp nhận vào năm 2013.
Quá trình gia nhập EU được thiết kế để gắn kết hoàn toàn quốc gia ứng cử viên với các tiêu chuẩn dân chủ, kinh tế và xã hội của khối, theo Euro News.
Thủ tục được chia thành 4 bước chính: nộp đơn, ứng cử, đàm phán và gia nhập. Bước đầu tiên của Ukraine đã được thực hiện sau chữ ký của Tổng thống Zelenskyy.
Tổng thống Zelenskyy muốn EU cấp tư cách ứng viên cho Ukraine thông qua một thủ tục đặc biệt được tiến hành nhanh chóng. Ảnh: AFP.
Thủ tục gia nhập
Để gia nhập EU, quốc gia ứng cử viên phải đáp ứng "tiêu chí Copenhagen" - một tập hợp các điều kiện mà một quốc gia phải đáp ứng để gia nhập khối. Chúng bao gồm nền kinh tế thị trường tự do, nền dân chủ ổn định, pháp quyền, nhân quyền và việc thực hiện tất cả các quy tắc và luật lệ của EU trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả đồng Euro.
Tư cách thành viên của một quốc gia cũng cần được sự chấp nhận của tất cả các quốc gia thành viên EU cũng như các tổ chức của EU như Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu.
Sau đó, nếu Ủy ban đồng ý rằng quốc gia nộp đơn đáp ứng "tiêu chí Copenhagen", Hội đồng Châu Âu sẽ đồng ý theo ủy quyền đàm phán. Các cuộc đàm phán sau đó được chính thức mở trên cơ sở từng chủ đề.
Mục tiêu dài hạn
Ukraine có thỏa thuận liên kết với liên minh 27 quốc gia nhưng lại muốn trở thành thành viên chính thức, đây là điều mà Nga phản đối. Khối này trước đây đã né tránh các cuộc thảo luận về tư cách thành viên của Ukraine để không "gây thù hận" với Moscow. Tuy nhiên, lập trường này đã lùi bước kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tổng thống Ukraine nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt sau bài phát biểu trực tuyến của ông trước Nghị viện châu Âu ở Brussels. Ảnh: EP.
Tư cách thành viên EU của Ukraine có ý nghĩa gì với Nga?
Việc Ukraine gia nhập EU có ý nghĩa quan trọng đối với các cuộc thảo luận sắp tới của họ với Nga về việc chấm dứt chiến dịch quân sự. Tư cách thành viên EU có thể giúp Ukraine về mặt quân sự, vì các thành viên EU bị ràng buộc bởi điều khoản bảo vệ lẫn nhau, họ được yêu cầu giúp đỡ các thành viên khác nếu quốc gia đó "là nạn nhân của hành động xâm lược có vũ trang trên lãnh thổ của mình".
Hơn nữa, việc gia nhập khối cũng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Ukraine và mang lại cho khối này những lợi ích bổ sung như đi lại tự do trong toàn EU và một loạt các quyền được cấp cho công dân EU.
Tuy nhiên, con đường phía trước không hề dễ dàng vì việc trở thành thành viên cần có thời gian. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell cho biết ưu tiên trước mắt của họ là cung cấp hỗ trợ thiết thực cho Ukraine để chống lại sự tấn công của Nga, thay vì thảo luận về các vấn đề dài hạn có thể mất nhiều năm.
Bích Thảo (Theo Euro News, India Today)