Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Muốn môn Văn không “gia trưởng”, giáo viên phải có tâm, có tầm và có tài”

(DS&PL) -

Thầy Phan Văn Huấn, hiệu phó trường THPT Việt Hoàng, người có kinh nghiệm 11 năm giảng dạy môn Văn chia sẻ về đơn “ly dị” của du học sinh Lê Uyên Phương.

Thầy Phan Văn Huấn, hiệu phó trường THPT Việt Hoàng, người có kinh nghiệm 11 năm giảng dạy môn Văn chia sẻ về đơn “ly dị” của du học sinh Lê Uyên Phương.

Ngày 24/10, nữ du học sinh Lê Nguyên Phương đăng tải lên mạng lá đơn xin “ly dị” môn Văn gây xôn xao dư luận. Bằng lối diễn đạt hài hước, Uyên Phương đã nêu ra những mặt hạn chế trong công tác dạy và học môn văn tại Việt Nam hiện nay.

Một số nội dung được nữ du học sinh đề cập đến là tính mơ mộng, thiếu thực tế hay không chịu tiếp thu cái mới. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất được Uyên Phương đặt ra là tính “gia trưởng” trong môn Văn.

Nữ du học sinh Lê Uyên Phương. Ảnh: NVCC


Tính “gia trưởng” ở đây được hiểu là sự rập khuôn, máy móc của bộ môn. Đề bài là phân tích theo ý hiểu của em nhưng lại chấm theo quan điểm của thầy, cô. Dẫn đến việc học sinh không có tư duy sáng tạo, luôn làm theo khuôn mẫu “100 con mèo thì đến 99 con là có đôi mắt tròn như hòn bi ve”

Quan điểm của Uyên Phương được đa số bạn trẻ ủng hộ, chỉ trong một ngày, lá đơn xin “ly dị” của nữ du học sinh nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ.

Trao đổi với pv báo Đời sống và Pháp luật, thầy Phan Văn Huấn, hiệu phó trường THPT Việt Hoàng cho biết, quan điểm của Uyên Phương có ý đúng khi nói về tính khuôn mẫu, máy móc trong hệ thống dạy và học môn Văn.

Thầy Huấn chia sẻ, môn Văn bấy lâu nay để lại ấn tượng không tốt với học sinh vì với một đề văn cần có barem điểm để quy chuẩn về kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên, nhiều giáo viên lại chỉ dựa trên khuôn mẫu đó để đánh giá học sinh khiến khả năng sáng tạo thuyên giảm.

Thầy Phan Văn Huấn, hiệu phó trường THPT Việt Hoàng. Ảnh: NVCC.


“Mỗi bài văn của các em cần phải có sự sáng tạo, giáo viên chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn các kỹ năng để các em tự tìm hiểu và viết. Ví dụ, hướng dẫn học sinh dùng hình ảnh so sánh, phải để các em hiểu vào hoàn cảnh nào, sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ thế nào thì hợp lý.

Giáo viên dạy văn phải là người dẫn đường chứ không nên rập khuôn máy móc khiến học sinh đánh mất sự sáng tạo.” – Thầy Huấn nói.

Theo thầy Huấn, nhiều giáo viên khi tiếp nhận những thông tin mới do học sinh mang đến thì chưa thể chấp nhận được ngay. Đặc biệt là đối với môn văn, bộ môn mà các giá trị kinh điển được đề cao.

Để môn văn không trở thành nỗi ám ảnh của học sinh, mỗi người giáo viên cần có sự đầu tư tâm huyết với việc giảng dạy. Áp dụng nhiều phương pháp mới như lớp học đảo ngược, để học sinh tự nghiên cứu đề tài và lên thuyết trình, giảng dạy thay chỗ giáo viên, ngoài ra, cần rèn luyện cho các em tư duy tìm tòi, sáng tạo, phản biện.

“Muốn làm được những điều này, người giáo viên dạy văn cần phải có tâm, có tầm và có tài” – Thầy Phan Văn Huấn chia sẻ.

Nguyên văn đơn xin "ly dị" môn văn của nữ sinh Lê Uyên Phương:

Em tên là Phương, du học sinh đang trầy trật để thi đậu mấy môn cuối và tìm việc. Còn nửa kia của em là Ngữ văn. Bọn em đã bên nhau được 12 năm, mà tạm xa rời vì bây giờ em đã có nhiều bạn khác thú vị hơn.
Nguyên nhân khiến cho em viết lách, giao tiếp và phản biện vô cùng kém so với những đứa bạn đến từ các nước khác, bởi: Thứ nhất là Tính gia trưởng.

Đề bài yêu cầu học sinh nêu cảm nghĩ của mình về một vấn đề/ tác phẩm, nhưng nếu cảm nghĩ của học sinh mà không giống với bảng điểm là "không có ý để chấm". Điều này dẫn đến việc 1.000 học sinh sản xuất ra 1.000 phiên bản khác nhau vài cái chấm phẩy. Như vậy, từ trong trường lớp, học sinh đã bị hạn chế chuyện nêu ra ý kiến của mình!

Thứ hai: Hay mơ mộng

Em cảm thấy chuyện học văn rất hữu ích, vì trong cuộc sống sử dụng văn nhiều hơn toán. Ví dụ nhé! Em bị lạc mất con mèo và muốn nhờ mọi người giúp, thế thì phải biết sử dụng văn miêu tả làm sao cho người ta tưởng tượng ra con mèo nhà mình. Thế nhưng mèo ở Việt Nam, 100 con thì tới 99 con có đôi mắt như hai hòn bi ve!

Thứ ba: Không chịu tiếp thu cái mới

Trong trường học, thầy cô miệt mài yêu cầu học sinh đọc những tác phẩm kinh điển, đọc về các tấm gương anh hùng..., nhưng học sinh thì lúc nào cũng chỉ facebook, nơi mà nhiều thứ như cô ca sĩ này mới hắt hơi sổ mũi... Thế là công sức giảng dạy của thầy cô đổ sông đổ bể, chỉ vì chương trình không còn đáp ứng thị hiếu của giới trẻ được nữa.

Mong muốn thay đổi: Em mong môn Ngữ văn... Hãy dạy em cách để viết một lá thư xin việc. Hãy dạy cho em được nêu cảm nghĩ thật của mình về một vấn đề trong xã hội và cả lớp được cùng nhau phản biện để bảo vệ ý kiến của mình. Hãy dạy em cách quảng bá bản thân để gây được sự chú ý của các công ty. Hãy dạy cách viết một đoạn lời thoại quảng cáo cho một sản phẩm. Hãy dạy em cách viết một lá thư tình thật ấn tượng.

Kết: Hãy trở thành một nửa lý tưởng của mọi bạn đời, chứ đừng là kẻ lúc nào cũng bị ly dị sau 12 năm gắn bó.

Thanh Phong

Tin nổi bật