Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Mười năm quen nhau, lần đầu tiên tôi thấy chồng 'bất động'"

  • Mộc Trà
(DS&PL) -

Mười năm cả quen cả cưới, lần đầu tiên chị Thuỳ cảm thấy xót xa, lo lắng khi nhìn chồng mình bất động một chỗ do mắc sốt xuất huyết.

Ám ảnh sốt xuất huyết

Những ngày qua là cơn ác mộng với gia đình chị Lê Thị Thuỳ (27 tuổi, tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khi vừa khỏi sốt xuất huyết thì chồng chị - anh Trung cũng mắc sốt xuất huyết nhưng tình trạng bệnh nặng hơn nhiều lần.

Theo lời chị Thuỳ, thứ 3 tuần trước, chị đi làm về bỗng thấy chồng nằm đờ đẫn trên giường, sờ vào người nóng ran.

“Hỏi thì chồng bảo bỗng thấy sốt nên về nhà nằm. Nhận thấy những dấu hiệu của sốt xuất huyết, tôi đưa chồng ra viện xét nghiệm máu thì đúng như dự đoán. Tuy nhiên chỉ mới ngày đầu nên triệu chứng nhẹ, các bác sĩ yêu cầu về nhà theo dõi và bổ sung nhiều nước…”, chị Thuỳ chia sẻ.

Dù có kinh nghiệm khi chính mình vừa trải qua thứ bệnh cứ "đến hẹn lại lên" này nhưng chị Thùy cũng không ngờ khi chồng là nam giới nhưng lại có biểu hiện và mức độ bệnh nặng hơn. 

Là một thanh niên khoẻ mạnh, chồng chị Thuỳ nhiều lần li bì khi mắc sốt xuất huyết

 

“Mười năm quen nhau cả yêu và cưới, lần đầu tiên tôi thấy chồng nằm bất động một chỗ. Bởi anh vốn là người vô cùng khoẻ mạnh và rất ít ốm đau. Nhưng lần này mắc sốt xuất huyết, có lúc tôi lay anh chẳng động đậy, khoảnh khắc đó tôi vô cùng hoảng loạn. Lay người mãi anh mới cựa người và trả lời tôi. Khi đó gọi 15 phút không ổn có khi tôi phải gọi cấp cứu đưa chồng đi viện”, chị nhớ lại 2 ngày chồng sốt cao.

Theo lời bác sĩ, chị mua oresol cùng nước cam, nước dừa bổ sung liên tục cho chồng. Đồng thời, mua thuốc hạ sốt mỗi khi sốt cao. “May mắn 5 ngày sau chồng tôi khoẻ mạnh lại, hiện tại qua hơn 10 ngày, chồng đã khoẻ mạnh hơn”, chị nói.

Sốt xuất huyết "hành" hơn COVID-19

Một ngày đầu tháng 11, Lan (27 tuổi, tại Cầu Giấy, Hà Nội) đi làm về bỗng cảm thấy người như yếu đi, tưởng chỉ là dấu hiệu sau một ngày làm việc vất vả, Lan chỉ nằm nghỉ sau đó nấu bữa tối.

Tuy nhiên, khoảng đến 21h, Lan bỗng sốt cao, vội vàng cặp nhiệt độ, cô gái phát hiện bản thân sốt lên hơn 39 độ C. Lan liền dùng thuốc hạ sốt, thì thấy đỡ. Sau đó cô đi ngủ, sáng hôm sau thức dậy, cơn sốt hoàn toàn biến mất.

“Cứ ngỡ chỉ sốt soàng soàng, tôi dậy gội đầu, tắm rửa rồi đi làm. Nhưng không nghĩ, cơn sốt ‘nhá hàng’ tối qua chỉ là điềm báo trước cho chuỗi ngày khủng khiếp phía sau”, Lan chia sẻ.

Đến công ty chưa đầy 30 phút, Lan cảm thấy người nóng ran, cơn sốt quay trở lại và diễn biến nhanh hơn tối qua. Người cô yếu hẳn đi, không thể chịu đựng được, Lan liền xin nghỉ làm và bắt đầu li bì trên giường.

Ngoài sốt, Lan xuất hiện thêm nhiều triệu chứng hơn, đau đầu, đau hốc mắt, người nhức mòi, kèm sốt rét…Những triệu chứng giống hết khi Lan tiêm vaccine phòng COVID-19, nhưng lần này ở mức độ nặng hơn.

“Tôi lên cơn giật mỗi khi sốt cao, người li bì như cọng bún vậy. Ở một mình, tôi phải nhờ sự trợ giúp của bạn qua chăm sóc. Mỗi khi lạnh nhấc người tìm chăn thôi cũng cảm thấy như cực hình”, Lan cho hay.

Mỗi lần sốt Lan hạ sốt bằng thuốc, bổ sung nước. Mỗi lần như vậy, cô lại thấy sốt cắt hẳn, những cũng được 1-2 tiếng, sốt lại quay trở lại, cứ thế cô vật lộn với những cơn sốt hơn 2 ngày trời.

“Có lúc sốt lên 40 độ C, người rét run, rất đau. Diễn biến bệnh quá nhanh và bất thường khiến bạn của tôi cũng bị hoảng theo. Sau 2 ngày không thể chịu đựng được, tôi nhập viện trong đêm vì mất sức. Vào viện còn không nghĩ bản thân mắc sốt xuất huyết, chỉ nghĩ là ốm nên mới vậy”, Lan nói.

Vào viện, Lan được tiến hành các xét nghiệm lấy máu ngay trong đêm, lúc đó bác sĩ thông báo cô mắc sốt xuất huyết và được chỉ định truyền dịch. Đến sáng huyết áp Lan ở mức bình thường nên được cho về nhà theo dõi, nếu có triệu chứng chuyển nặng thì cần vào viện ngay.

Mắc sốt xuất huyết nếu không điều trị và phát hiện kịp thời sẽ rất dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm

 

Ngày thứ 4 mắc sốt xuất huyết, các triệu chứng thuyên giảm dần, Lan đi lại nhẹ nhàng, và ăn uống khá hơn những ngày đầu. Tuy nhiên, ở thời điểm này, cô xuất huyết tình trạng chảy máu chân răng, đặc biệt khi đánh răng cô phát hiện chân răng chảy máu, điều mà từ trước giờ cô chưa từng mắc phải.

Cùng với đó là những triệu chứng nôn khan. Lan nhận thấy dấu hiệu bất thường nên cô nhanh chóng vào viện. Lan được tiến hành xét nghiệm tiểu cầu. Kết quả cho thấy tiểu cầu giảm mạnh.

"Lần xét nghiệm máu trước đó, tiểu cầu của tôi là 149G/L. Tuy nhiên, lần này tiểu cầu chỉ còn 70G/L. Bác sĩ khuyên tôi nên nhập viện luôn vì đây là giai đoạn sốt xuất huyết thường diễn biến nặng", Lan chia sẻ.

Nhập viện 3 ngày, Lan cảm thấy các triệu chứng dần biến mất, cô thấy bản thân đang phục hồi dần. Các triệu chứng tăng nặng cũng không còn. Các chỉ số dần ổn định, tiểu cầu tăng trở lại nên Hằng cũng được cho xuất viện. Tuy nhiên, cô vẫn duy trì truyền dịch định kỳ vài ngày một lần, trong gần một tuần sau đó vì người vẫn mất sức, chưa hồi phục hẳn.

“Một tuần qua là khoảng thời gian ám ảnh khủng khiếp nhất hơn 20 năm qua mới gặp, kể cả lần mắc COVID-19 cũng không bằng lần sốt xuất huyết này.

Trước giờ vẫn dương dương sức khoẻ tốt, đề kháng tốt vì có lối sống lành mạnh. Thế nhưng đúng là sốt xuất huyết không trừ một ai”, Lan chia sẻ và cho biết bản thân sụt 3kg sau một tuần mắc sốt xuất huyết.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 6/11, toàn thành phố ghi nhận 28.483 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái) tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,3% số xã, phường, thị trấn) và 4 trường hợp tử vong.

Trung bình mỗi tuần, thành phố ghi nhận 2.400-2.700 trường hợp.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân, trong đó dẫn đầu là Hà Đông với 1.973 ca, tiếp đến là Hoàng Mai (1.840 ca), Phú Xuyên (1.835 ca), Thanh Oai (1.639 ca), Đống Đa (1.565 ca), Thanh Trì (1.553 ca).

Ngoài ra, toàn thành phố ghi nhận 1.661 ổ dịch, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đánh giá, với diễn biến tình hình thời tiết như hiện nay, ca bệnh có thể tăng cao trong những tuần tới.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết các chuyên gia khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, đặc biệt là người ở khu vực có dịch, người có bệnh nền tuyệt đối không tự điều trị tại nhà mà cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị.

Trong giai đoạn nguy hiểm, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như: thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, thường kéo dài từ 24 đến 48 giờ; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau.

Mộc Trà

Tin nổi bật