Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mục sở thị con đường từ bệnh viện tới lò tái chế rác thải y tế

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Theo chân một người phụ nữ thu mua rác thải y tế từ bệnh viện, chúng tôi tới được "thủ phủ" của rác tái chế giữa lòng Thủ đô. Làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ

(ĐSPL) - Theo chân người phụ nữ thu mua rác thải y tế từ bệnh viện, chúng tôi tới được "thủ phủ" của rác tái chế giữa lòng Thủ đô. Làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ xưa vốn nổi tiếng bởi nghề sản xuất hạt nhựa, nhưng để tìm được cơ sở tái chế rác thải y tế thì không hề dễ dàng gì. Được biết, việc làm này khá bí mật và thành phẩm chỉ xuất cho những mối quan hệ đã quen biết từ lâu.
Hạt nhựa làm từ rác thải y tế là tốt nhất
Theo chân người phụ nữ thu mua rác thải y tế từ bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đến được làng Triều Khúc. Người phụ nữ chạy xe vòng vèo qua những con ngõ nhỏ, cuối cùng thì đâm sâu vào một ngõ cụt cuối làng thuộc xóm Án. Được biết, xóm Án và xóm Lẻ là hai nơi có số hộ kinh doanh nghề tái chế rác nhiều nhất làng nên chúng tôi cũng không ngạc nhiên khi đây là nơi tập kết rác thải y tế.
Người phụ nữ dừng trước một căn nhà nhỏ, có cổng vào sâu hút đến nỗi, người ngoài nhìn vào khó có thể biết bên trong sân đang diễn ra việc gì. Xung quanh con ngõ này là những bao tải cỡ lớn chứa đồ nhựa đang đợi tái chế. Những bao tải lớn được xếp chồng lên nhau rất gọn gàng, cao vút, đủ thấy tình hình kinh doanh nhựa tái chế vẫn khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, những bao tải đựng rác thải y tế thì được người nhà nhanh chóng chuyển vào trong và chẳng mấy chốc, những bao tải cũng biến mất cùng với người phụ nữ đó. Thầm ghi nhớ địa điểm của cơ sở này, chúng tôi vòng xe ra đầu xóm để lân la hỏi chuyện.
Chúng tôi rẽ vào một quán nước bên đường và hỏi chuyện người đàn ông tên H. Người này tự giới thiệu là có kinh nghiệm gần chục năm chuyên tái chế rác nhưng hiện đã bỏ nghề để làm kinh doanh. H. cho biết: "Hiện nay, làng Triều Khúc không còn nhiều hộ gia đình sống bằng nghề tái chế rác nữa. Họ chủ yếu xây nhà cho thuê và kinh doanh là chính. Nếu trước kia có 10 hộ làm nghề tái chế rác thì nay tám hộ đã bỏ nghề".
Lấy danh nghĩa là người mới vào nghề buôn hạt nhựa, chúng tôi lân la hỏi chuyện H. thì được nghe anh phân tích khả tỉ mỉ. Theo đó, nhựa rác thải được nhập về chủ yếu thông qua những đầu mối đồng nát lớn ở Hà Nội. Nhựa sau đó được phân loại và rửa sạch trước khi đem tái chế. Trải qua gần chục công đoạn thì người sản xuất mới thu được thành phẩm là hạt nhựa và xuất cho những cơ sở sản xuất đồ gia dụng. Người làng Triều Khúc gần như không sản xuất các mặt hàng dân dụng cụ thể mà chỉ sản xuất hạt nhựa, bán lại cho các nơi tái sản xuất đồ dân dụng. Hạt nhựa cũng được phân chia làm nhiều loại và giá thành khác nhau. Loại tốt nhất được gọi là nhựa dẻo, hạt nhựa trong và rất trắng. Tiếp đến là hạt nhựa trắng đục và hạt nhựa màu.
Tôi gợi ý chuyện người làng thu mua rác thải y tế để sản xuất hạt nhựa, anh H. cho biết: "Hiện nay, số hộ làm nghề tái chế nhựa đã ít, số người làm đồ từ rác thải y tế còn ít hơn. Hơn nữa, việc làm này bị cấm nên các hộ hầu hết đều làm lén lút. Tôi nghe nói chỉ còn hộ của ông K., ông Th. vẫn còn làm nhưng không dám chắc vì họ giấu kỹ lắm. Có điều, hạt nhựa làm từ những thứ đó là tốt nhất và có giá cao nhất. Bản thân tôi ngày xưa làm nghề này cũng biết vậy nhưng không có nguồn hàng. Để sản xuất mặt hàng này phải có mối quen biết trong bệnh viện thì mới thu mua được. Giá thành loại hạt nhựa này hiện nay rơi vào khoảng 30.000 đồng/kg và họ chỉ "xuất" cho mối hàng quen biết. Các anh lần đầu lên đặt mối làm ăn sợ họ không bán".
Về công đoạn xử lý rác thải y tế, anh H. cũng cho biết: "Kinh khủng nhất khi làm loại rác này chính là cái mùi rất khó chịu. Trước đây, tôi đã trực tiếp nhìn thấy cách người ta làm nên biết rõ. Những kim tiêm sẽ được tháo bỏ, phần cao su trong pít-tông của ống tiêm cũng được lột ra. Những dây truyền dịch, bịch truyền nước, truyền máu... sẽ được cho vào một thùng hình phễu và dùng vòi nước áp lực cao để phịt, rửa. Nhiều cái còn dính đầy máu khô rửa mãi không hết. Mùi máu khô, kết hợp với mùi thuốc bệnh và mùi nhựa khét lại, tạo ra mùi rất đặc trưng. Người nào không ngửi quen, chắc không thể chịu được. Sau khi trải qua những giai đoạn sơ chế như vậy thì rác y tế cũng được tái chế giống như nhiều loại rác khác mà thôi. Chỉ có điều, các cơ sở bao giờ cũng có những mánh làm ăn để tăng lợi nhuận. Chẳng hạn, họ sẽ trộn loại nhựa thường vào loại nhựa y tế để tăng số lượng trong khi chất lượng nhìn bằng mắt thường rất khó phát hiện ra".
Cơ sở này đã thu mua rác thải y tế nhưng không bao giờ bán thành phẩm cho người lạ mặt.
Chỉ "xuất hàng"  cho những mối quen
Sau buổi trò chuyện với anh H., chúng tôi quyết định sẽ quay lại đúng cơ sở sản xuất hạt nhựa mà chúng tôi đã theo chân họ từ bệnh viện. Ba ngày sau, cũng với tư cách là người đến đặt mối làm ăn, mua hạt nhựa về địa phương sản xuất, chúng tôi tìm đến cơ sở của người phụ nữ kia.
Dừng ở trước cái cổng sâu hun hút, chúng tôi đánh tiếng vào nhà. Một người đàn ông ra tiếp với vẻ mặt nghi ngờ, đứng chặn ngay ở cổng không cho chúng tôi bước thêm vào. Sau khi ngỏ ý muốn mua hạt nhựa về để sản xuất, người đàn ông quay đầu lại nhìn về phía những bao tải được xếp chồng như bao gạo rồi nói: "Chúng tôi sản xuất nhỏ nên "hàng" không nhiều. Những bao hạt này đã được phơi khô và đợi "xuất hàng" nhưng nếu anh có nhu cầu mua thì tôi có thể đứng ra làm mối cho cũng được. Chúng tôi sản xuất hai loại là hạt trắng và hạt màu. Hạt trắng có giá 22.000 đồng/kg. Hạt màu thì rẻ hơn một chút và tùy từng loại mà định giá. Hiện, tôi bán loại hạt nhựa màu có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg".
Nói đoạn, chúng tôi theo anh ta vào cổng để xem "hàng" và cũng chỉ dừng lại ở đó. Phía bên trong, những bao nhựa được bịt kín mít nằm sâu ở trong sân, ngoài vườn. Khi chúng tôi đề xuất muốn mua loại "hàng" tốt nhất thì chỉ được đáp lại bằng câu trả lời đầy nghi ngờ: "Hàng mà tôi cho anh xem là "hàng" tốt nhất rồi, sản phẩm ở đây cũng là "hàng" đợi xuất xưởng nên hình thức cũng không hơn. Nếu anh ưng ý thì có thể đặt cọc tiền trước rồi chúng tôi chuyển "hàng", hoặc nếu chưa yên tâm thì có thể mua trước một bao về dùng thử rồi quyết định".
Rời khỏi nhà người phụ nữ kia, chúng tôi lang thang hỏi mối làm ăn ở những hộ xung quanh thì mới hay, hạt nhựa dẻo chất lượng cao không hề sẵn "hàng" như mọi người tưởng. Bởi lẽ, nguyên liệu làm ra chúng không nhiều nên sản xuất được bao nhiêu thì những mối quen đã đến lấy hết sạch. Dừng trước một cửa hàng để hỏi mối làm ăn, người phụ nữ tên B. chỉ cho chúng tôi một số cơ sở bán hạt nhựa nổi tiếng. Thế nhưng, khi gợi ý đến hạt nhựa dẻo chất lượng cao làm từ rác thải y tế thì người này có vẻ chột dạ, liền đáp: "Trước kia, những hộ dùng rác thải y tế để sản xuất hạt nhựa khá nhiều. Tuy nhiên, cách đây mấy năm khi công an vào cuộc điều tra thì các hộ này bỏ hết rồi và nay không còn hộ nào sản xuất nữa. Hiện tại, làng còn rất ít hộ sản xuất hạt nhựa dẻo và để mua mặt "hàng" này cũng không đơn giản như ngày xưa".
Rác thải y tế được vận chuyển trên những chiếc xe như thế này.
Cũng theo lời của người phụ nữ tên B. thì nhiều người trong làng phất lên nhờ làm nhựa tái chế. Tuy nhiên, do đặc thù công việc là công nhân phải sống chung với những mùi rất kinh khủng nên không phải ai cũng làm được. "Hiện nay, giá mỗi ngày công làm việc trong lò tái chế chỉ từ 80.000 - 100.000 đồng cộng thêm bao ăn, bao ở. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế trong làng ngày càng phát triển nên người làng làm chủ cơ sở sản xuất thì có, chứ người làng làm công nhân thì không".
Kỳ 5: Nghi vấn quay vòng rác thải y tế và thực hư chuyện tái chế "đồ bác sỹ"

Tin nổi bật