(ĐSPL) - Nhìn “hàng” D. mang ra bán, tôi ngỡ ngàng đến rùng mình, vì dây truyền và kim tiêm vẫn còn dính máu. Thế mà người mua, kẻ bán vẫn tay không chọn, chuyển “hàng” từ hai túi nilon của D. sang cân của chủ cửa hàng đồng nát.
Bài 2: Ám ảnh cửa hàng thu rác thải y tế còn... dính máu
Nếu không phải là “thổ dân” sống trong khu vực phố Phương Mai, Hà Nội thì sẽ rất khó để biết được chủ thu mua sắt vụn nào bật đèn xanh cho việc thu mua rác thải từ bệnh viện. Vì hầu hết, các giao dịch mua bán đều diễn ra vào những “giờ rất hiểm”, mang tính ngẫu hứng của người bán như giữa trưa, chiều tối, giờ giải lao giữa thời gian làm việc sáng, chiều và càng ít người biết càng tốt. Thậm chí, nhận thấy người lạ xuất hiện, nhiều cửa hàng phế liệu liền đóng cửa và giao dịch... trong nhà.
Những cuộc mua bán lúc... nửa đêm
Ngoài tiếp xúc với N.T.M., một người làm trong bệnh viện Bạch Mai thường bán rác y tế, trước đó, tôi quen với vài nhân viên khác cũng làm ở bệnh viện này và cũng là dân chuyên “chôm” rác thải y tế bán ra ngoài. Theo những người này, thì không phải cửa hàng đồng nát, thu mua phế thải nào họ cũng mua và người bán nào cũng bán. Chủ cửa hàng có “cầu” thì người bán mới cung cấp rác thải y tế và họ rất cảnh giác trước những ánh mắt soi mói của người lạ. Chị K., một nhân viên vệ sinh làm trong bệnh viện Bạch Mai cho tôi biết: “Lương của chúng tôi thấp lắm, chỉ tầm 2,3 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng. Thế mà, gia đình còn có con nhỏ, công việc của chồng thì bấp bênh, nếu không tranh thủ “kiếm chác” từ rác thải như thế thì cả nhà đói ăn em ạ. Nghe đến chuyện bán rác, nhiều người bĩu môi thế thôi, chứ chịu khó gom nhặt, mỗi tháng, tôi cũng có thêm 5-6 triệu đồng để chi tiêu cho gia đình. Những cái chai, lọ, kim truyền, ống truyền... tưởng là rác nhưng bán, thu được gấp mấy lần lương ấy chứ”.
Theo nguồn tin riêng của PV báo Đời sống và Pháp luật ở bệnh viện Bạch Mai thì, có khoảng từ 20 – 30 người làm việc trong bệnh viện thường xuyên mang rác y tế ra ngoài bán. Hầu hết những người này đều có thu nhập không cao và để thu gom rác thải hàng ngày, họ cũng có một số “mánh lới” khéo léo để không bị phát hiện. Chị K. cho biết, chị và một số người làm trong bệnh viện cũng biết, việc tuồn rác thải y tế ra ngoài bán là nguy hiểm và vi phạm quy định của bệnh viện, tuy nhiên, vì cuộc sống quá khó khăn nên đành... làm liều.
Quyết tâm “mục sở thị” việc mua bán kim tiêm, dây truyền từ trong bệnh viện ra, tôi dặn người bạn trên phố Phương Mai là khi có hiện tượng mua bán ấy, nhớ báo. Rất may là trong tối ngày thứ Tư của hành trình điều tra, chúng tôi đã được tận mắt nhìn thấy nhân viên y tế trong bệnh viện Bạch Mai mang dây truyền, ống truyền (nước, thuốc – PV) ra bán vào lúc... nửa đêm. Cuộc mua bán diễn ra vào lúc 23h và cuộc giao dịch diễn ra chẳng khác nào những nghệ sỹ diễn kịch câm. Họ chỉ đối thoại những câu không đầu, không cuối: “Bao nhiêu?”. “Đủ chưa?”. “Như thế nào?”. D., nhân viên y tế trong bệnh viện nhìn thấy tôi đứng ở gần cửa hàng thu mua phế thải thì cảnh giác hỏi: “Chị cũng là dân ở khu này à?”. Sau khi nghe tôi nói là tôi đi thăm bà con trong bệnh viện Bạch Mai rồi ra đây hóng gió thì D. yên tâm đưa túi dây truyền, ống truyền ra bán. D. bảo: “Hôm nay là ca trực của tôi nên tranh thủ mang “hàng” ra bán”. Nhìn “hàng” D. mang ra bán, tôi ngỡ ngàng đến rùng mình, vì dây truyền và kim tiêm vẫn còn dính máu. Thế mà người mua, kẻ bán vẫn tay không chọn, chuyển “hàng” từ hai túi nilon của D. sang cân của chủ cửa hàng đồng nát.
Đem câu chuyện đó, với thái độ ngạc nhiên, tôi hỏi bác Tâm, người dân phố Phương Mai đứng bên cạnh thì thầm: “Việc dùng tay trần để tách kim tiêm và dây truyền như thế này quá nguy hiểm, nếu hàng xóm có nhắc thì nó (người thu phế liệu – PV) cũng chỉ dùng một bao tay mỏng để phân loại thôi. Lần sau, nó lại để tay trần, nếu chả may dính phải máu của bệnh nhân nhiễm HIV là... xong đời. Nhưng, chúng nó đâu có nghĩ vậy, đứa nào cũng mờ mắt vì tiền”.
|
Dây truyền trong bệnh viện được mua bán công khai. |
Trả tiền cho nhân viên y tế vừa bán dây truyền và ống đựng nước truyền xong, Loan bảo với tôi: “Chả sao đâu chị ạ, em làm gần hai năm nay rồi mà có thấy bị lây nhiễm gì đâu. Dùng bao tay, lóng ngóng có khi lại đâm kim vào tay, còn nguy hiểm hơn ấỵ. Cửa hàng của em có một chị ở Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) chuyên thu mua các loại dây truyền, ống truyền, găng tay với giá cao. Ví dụ như em trả cho nhân viên trong bệnh viện Bạch Mai là 7.000 đồng/kg dây truyền, thì người trong Triều Khúc sẽ mua với giá từ 8.000 – 9.000 đồng/kg. Họ bảo là thu mua nhựa y tế về sẽ cho tất cả vào cối xay, rồi phơi lên, sau đó làm nhựa gia dụng. Chính mắt em nhìn thấy họ cho cả dây truyền còn dính máu vào cối xay lên. Khuất mắt cho qua chị ạ...”.
Tận thu cả áo và ga giường bệnh nhân
Đi dọc quanh hồ Phương Mai, chúng tôi nhận thấy rằng, có rất nhiều cửa hàng chuyên thu mua phế liệu “bật đèn xanh” cho rác y tế tuồn từ bệnh viện ra. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ hai năm nay, nhiều cửa hàng thu mua phế liệu quanh bệnh viện Bạch Mai “sống khỏe” nhờ lượng rác y tế được tuồn ra ngoài. Vì lợi nhuận thu được rất cao nên những người mang rác thải y tế ra bán được ưu ái trả tiền luôn, không phải chờ đợi đến lượt. Họ có số điện thoại di động của nhau, khi nào có “hàng” nhiều là chủ cửa hàng ngồi túc trực để cân “hàng”, mọi việc được tiến hành nhanh, nhằm tránh con mắt nhòm ngó của người dân xung quanh... Loan cho biết: “Ban đầu, em thấy ở đây dân cư đông đúc nên thuê cửa hàng để thu mua phế liệu cho tiện. Lần đầu tiên có một người làm trong bệnh viện Bạch Mai ra hỏi em là có mua rác y tế không? Sau đó, qua tìm hiểu, em mới biết, nhựa y tế hầu hết là những loại nhựa rất tốt, có thể tái chế, được mua đi, bán lại với giá cao nên từ hai năm nay cửa hàng của em chuyên thu mua nhựa y tế. Em cũng biết, rác y tế là loại cấm được đưa ra thị trường, nhưng không hiểu sao, các nhân viên y tế ở bệnh viện Bạch Mai vẫn mang ra ngoài được, họ bán thì em mua thôi...”.
|
Rác mang bán được đựng vào túi nilon có logo của bệnh viện Bạch Mai. |
Tại khu vực này, chúng tôi còn phát hiện ra một điều rất “sốc”, đó là một số cửa hàng phế liệu thu mua cả quần áo, ga giường cũ của bệnh nhân trong bệnh viện. Khi chúng tôi vào ngó nghiêng, chủ của hàng tên Bình hỏi ngay: “Các em vào đây làm gì vậy?”. Tôi giới thiệu có nguồn rác thải y tế muốn bán, Bình phẩy tay: “Qua cửa hàng anh là đúng rồi, ở đây bọn anh thu mua tất cả rác thải y tế, từ găng tay, kim tiêm, ống truyền, đến quần áo, ga giường”. Khi được hỏi, cửa hàng mua lại những loại quần áo cũ, ga giường làm gì thì anh Bình cho hay, tất cả những cái gì từ bệnh viện đều mua, bán được. Quần áo bệnh nhân, ga giường được Bình thu mua rồi bán lại cho các cửa hàng rửa xe ô tô, xe máy hoặc các cửa hàng sửa xe, gara ô tô để... làm giẻ lau. Quần áo, ga giường cũ cũng được bán theo cân, chiếu nhựa rách cũng được bán lại để làm giày, dép tái chế...
Bình cho biết, để tuồn được những thứ ấy (quần áo, ga giường cũ từ bệnh viện - PV) thì chỉ có người làm trong bệnh viện mới đưa ra được. Nhiều người mang rác đi bán còn xách theo cả túi nilon có logo của bệnh viện Bạch Mai. Cũng giống như cửa hàng thu mua phế liệu của chị Loan, cửa hàng của anh Bình cũng có một lượng khách “biết mặt, đặt tên”. Vì thế, dù nằm sâu trong con ngõ nhỏ nhưng cửa hàng của anh Bình vẫn cho thu nhập tốt... nhờ rác y tế. Chứng kiến sự mua bán rác thải y tế công khai như vậy, nhiều người dân hoài nghi rằng, vậy sự quản lý của bệnh viện Bạch Mai như thế nào mà rác thải y tế vẫn hàng ngày “được” tuồn ra ngoài?
Xe tải ngoại tỉnh cũng về khu BV Bạch Mai thu mua rác thải y tế Qua một vài lần gặp nhau và nói chuyện, cả anh Bình và chị Loan đều cung cấp cho chúng tôi một thông tin khá quan trọng, đó là, nhiều chủ hàng thu mua phế liệu, rác y tế từ các tỉnh ngoài như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh… cũng “bắt mối” với một số nguồn cung từ bệnh viện Bạch Mai để thu mua rác thải y tế. Tuy nhiên, sự trao đổi, mua bán này chủ yếu là qua điện thoại, họ thường mang cả xe tải đến nhận “hàng” vào ban đêm. Theo anh Bình, việc này rất bí mật, vì nếu vỡ lở, sẽ có rất nhiều người bị liên lụy. |