Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mùa len trâu qua góc nhìn của nhà văn Sơn Nam

(DS&PL) -

PGS.TS Ngô Văn Giá - nguyên Trưởng khoa Viết văn-Báo chí (trường đại học Văn hóa Hà Nội)- nêu lên những cảm nghĩ sâu sắc về truyện ngắn Mùa len trâu của nhà văn Sơn Nam.

PGS.TS Ngô Văn Giá - nguyên Trưởng khoa Viết văn-Báo chí (trường đại học Văn hóa Hà Nội)- nêu lên những cảm nghĩ sâu sắc về truyện ngắn Mùa len trâu của nhà văn Sơn Nam. 

Ông nói: Nhà văn Sơn Nam nổi tiếng với truyện ngắn Mùa len trâu trong tác phẩm Hương rừng Cà Mau. Đây là một tác phẩm liên quan đến vấn đề địa lý văn hóa và cả sinh thái, không phải ngẫu nhiên mà nó được đặt tên như vậy.

Đó là một câu chuyện của thiên nhiên, nơi người dân Nam Bộ chọn làm nơi cộng cư của mình. Toàn bộ đó là một không gian sinh thái, cộng cư của người Việt khi mở đất về phương Nam và chọn địa bàn sinh sống ở đó. Bên cạnh đó, nó còn là một không gian văn hóa trong đó cứ từ đời này đến đời khác, trầm tích từng lớp văn hóa liên quan đến tín ngưỡng, tập tục, thói quen canh tác, ngôn ngữ, âm nhạc và nghệ thuật nói chung... Nói chung, tác phẩm này trước hết là một vẻ đẹp văn chương sau đó còn là một biểu đạt văn hóa.

Các nhà văn thời kỳ trước có thường lấy những hoạt động của người nông dân làm cảm hứng sáng tác không, thưa ông?

Xét trong không gian văn chương Nam Bộ, Sơn Nam là cây bút sử dụng chủ đề này khá sớm; còn ở ngoài Bắc thì cảm hứng sáng tác từ những hoạt động của người nông dân đã khá quen thuộc. Ví dụ như nhà văn Kim Lân, ông là người viết về phong tục của những người dân ở vùng Kinh Bắc từ những năm trước 1945. Hàng loạt những tác phẩm của ông nói về đánh cờ, chọi gà, đấu vật... Kim Lân là con người của phong tục nên ông đã viết rất nhiều tác phẩm liên quan đến chủ đề này. Tô Hoài cũng vậy, trước năm 1945, ông đã viết rất nhiều tác phẩm liên quan đến phong tục của những người dân ở ngoại ô Hà Nội. Tuy nhiên, Sơn Nam được xem là người quan tâm, miêu tả phong tục một cách thành công và sâu đậm nhất.

PGS.TS Ngô Văn Giá

Theo ông, nhà văn Sơn Nam muốn nói lên điều gì khi lấy hành động “len trâu” làm tình tiết chủ đạo trong tác phẩm?

Thứ nhất, tác phẩm chủ yếu nói về nỗi khổ của con người khi sinh sống tại một vùng đất thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Thứ hai, nhà văn muốn nói lên sức sống của con người thông qua những hoạt động khắc chế thiên nhiên, vươn lên để khẳng định sự sống của mình. Đặc biệt, trong những lúc khó khăn như vậy con người vẫn rất yêu thương, gắn kết và giúp đỡ nhau. Đó chính là niềm tin và nghị lực để họ có thể sống và vượt qua được những nỗi khổ mà thiên nhiên đã vây hãm, hành hạ con người.

Nhân vật ông Tư trong truyện có nói: “Chăn trâu còn khó hơn điều binh khiển tướng”, “Nhiều người lúc nhỏ chăn trâu mà tới lớn được làm vua”. Ông có cảm nhận thế nào về những câu nói này?

Đây chính là cái hay của Sơn Nam trong tác phẩm này. Cuộc sống của người nông dân tuy khốn khó, vất vả như vậy, nhưng nhà văn để cho nhân vật tưởng tượng rất sinh động và khiến hoạt động “len trâu” trở nên rất lãng mạn. Ông hình dung đó là “cuộc điều binh khiển tướng” hay “một trận đánh”, như một điều gì đó rất hùng vĩ. Ông nói rằng thân phận con trâu vốn rất hèn mọn, là một loài vật nuôi, một công cụ của con người, ấy vậy mà lúc vào rừng nó trở nên hùng mạnh, khi hàng trăm con cùng tập hợp lại thì đến chúa sơn lâm cũng phải nể sợ.

Qua đó có thể thấy cuộc sống vốn rất khổ cực nhưng qua góc nhìn của Sơn Nam lại rất lãng mạn và lạc quan. Điều đó toát lên sức sống của con người ở vùng đất miền Tây Nam Bộ. Hình tượng “len trâu” dường như tượng trưng cho vẻ đẹp của sức sống và nghị lực con người nơi đây.

Tình tiết nào trong truyện tạo được ấn tượng nhất với ông?

Thứ nhất, Sơn Nam hình dung về cảnh tượng thiên nhiên hết sức hùng vĩ. Cụ thể như hình ảnh khi đàn trâu nghỉ ngơi và rút vào cánh rừng tràm để tìm nơi ăn nằm, sau đó những cây tràm đổ rạp xuống và lúc đó khu rừng bỗng chốc trở thành một chiến địa vô cùng hoành tráng. Thứ hai, khi tác giả nhớ về tuổi thơ của mình cũng phải đi len trâu, qua đó người đọc có thể thấy hóa ra đây là một nếp sinh hoạt, tập tục mà một người đàn ông không nên quẩn quanh ở nơi chốn của mình mà phải đi ra ngoài cuộc đời, nhất là đi len trâu vì đó là một hành trình tuy vất vả, khổ sở nhưng cũng là cơ hội được cọ xát rất nhiều với cuộc sống bên ngoài để trưởng thành.

Thậm chí, khi người con trong truyện trở về, nhân vật ông Tư cảm nhận rằng con mình có thể đã “hư” một chút (như chi tiết Nhi đã biết uống rượu), nhưng ông cảm nhận được rằng con mình đã lớn, trưởng thành và đã là một người đàn ông thực sự. Ông tin vào nghị lực và sức sống của con người. Sau khi nhận ra rằng Nhi đã biết uống rượu thì ông Tư đã đưa hẳn chai rượu cho con và nói: “Uống đi!”. Ông đã cư xử với con trai như một người đàn ông thực thụ, khác hoàn toàn với hình ảnh Nhi trước khi lên đường đi len trâu.

Ông có hứng thú với khung cảnh và con người vùng sông nước Nam Bộ? Ông đã từng viết, hay có ý định viết về chủ đề này?

Tôi tuy không có nhiều thời gian sống trong vùng sông nước Nam Bộ, nhưng đã có cơ hội công tác ở đây không dưới chục lần và tôi cảm thấy rất yêu nơi này. Tình yêu đối với không gian, cảnh quan sinh thái, đặc biệt là con người nơi đây. Họ có lối sống rất trượng phu, nghĩa hiệp, chân thành và vô cùng phóng khoáng. Tuy nhiên, so với thời xưa thì không gian miền Tây bây giờ cũng đã khác rất nhiều. Vùng đất ấy giờ không chỉ có những nét hùng vĩ và thuần khiết như tôi vừa kể mà nó bước vào cơ chế thị trường và đã bộc lộ những mặt trái của nó.

Gần đây khi vào công tác tôi cũng có đôi chút buồn và chạnh lòng. Tôi cũng có viết một vài truyện ngắn liên quan đến con người miền Tây. Dù có tình yêu rất lớn đối với miền Tây, nhưng tôi cũng có những lo âu về sự biến đổi của con người và khung cảnh nơi đây trong bối cảnh đời sống hiện đại và cơ chế thị trường.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Bích Thảo

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật gộp 11 số

Tin nổi bật