Theo báo Tiền Phong, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương vừa có Nghị quyết Quy định thí điểm chính sách hỗ trợ giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.
Quy định thí điểm chính sách hỗ trợ giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Một tiết học của cô và trò Trường Mầm non thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn, Hải Dương). Ảnh: báo Hải Dương
Cụ thể, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, giáo viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên; giáo viên dạy từ bậc tiểu học đến THPT ở các cơ sở giáo dục; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ được nhận mức hỗ trợ 700.000 đồng/ tháng/ người và 1 triệu đồng/ tháng/người tùy theo đối tượng.
Cán bộ quản lý và giáo viên sẽ được hỗ trợ hằng tháng bằng tiền và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và các phụ cấp khác. Đối với giáo viên giảng dạy liên trường chỉ được hỗ trợ tại đơn vị sự nghiệp công lập quản lý trực tiếp giáo viên.
Thời gian triển khai tính từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025.
Tỉnh Hải Dương hiện có hơn 26.800 giáo viên, cán bộ quản lý ở công lập, trong đó 22.560 người trong biên chế. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hàng nghìn giáo viên đang có thu nhập thấp hơn mức bình quân đầu người ở khu vực thành thị của tỉnh (5,7 triệu đồng/tháng). Sở cho rằng đây là một phần nguyên nhân khiến tỉnh còn thiếu hơn 1.400 giáo viên, báo VnExpress thông tin thêm.
Với chính sách mới, Hải Dương là một trong số ít địa phương có chính sách hỗ trợ riêng cho giáo viên.
Trước đó, TP.HCM tiên phong trong việc này. Từ năm 2021, thành phố chi hỗ trợ cho giáo viên mầm non mới ra trường ba triệu đồng mỗi tháng, trong năm đầu công tác. Tỷ lệ này hai năm tiếp theo là 70% và 50%. Với giáo viên mầm non ký hợp đồng dưới một năm, mức hỗ trợ là hơn 4,4 triệu đồng một tháng, trong 9 tháng.
Tỉnh Vĩnh Long hồi tháng 5 cũng thông báo hỗ trợ giáo viên mầm non công lập với mức 540.000 đồng/người/tháng. Hưng Yên chi 162 triệu đồng cho một giáo viên mầm non nếu cam kết công tác trên 10 năm. Các địa phương còn lại hầu hết thực hiện theo quy định chung của nhà nước, ngoài lương, giáo viên nhận thêm phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi nghề (35-50% lương cơ bản).
Tính đến cuối năm 2022, cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên, khoảng một nửa ở bậc mầm non. Trong khi đó, số sinh viên chọn học cao đẳng, đại học mầm non mỗi năm khoảng 6.000 người. Theo các chuyên gia, lý do là nghề giáo viên mầm non vất vả, áp lực cao, nhưng tiền lương với người mới vào nghề thấp, chỉ khoảng 3,7 triệu đồng mỗi tháng.
Thục Hiền (T/h)