(ĐSPL) - Trong Đông y, nước mắm thường được dùng trong các trường hợp trúng lạnh, trúng gió, co cứng chân tay, chuột rút, cứng hàm, suy kiệt, táo bón, thiếu máu…
Theo Đông y, nước mắm có vị mặn, ngọt, tính bình; vào kinh tỳ, thận, vị và đại tràng. Còn có mật cá vị đắng với hàm lượng thấp nhưng kết hợp với vị mặn của khoáng chất, vị ngọt của các acid amin đi vào tâm, can, tỳ, thận, để thanh nhiệt ở tâm, sơ phong tiết khí ở can, trừ thấp ở tỳ, nhuận hạ bổ âm, thăng dương kết khí ở thận.
Nước mắm là gia vị bổ dưỡng tốt cho sức khỏe. Ảnh Internet |
Trên Báo sức khỏe & Đời sống, bác sĩ BS.Tiểu Lan chia sẻ một số bài thuốc phòng trị bệnh được sử dụng trong Đông y từ nước mắm như sau:
1. Bổ dưỡng tăng lực khi bơi lội, dầm mình trong nước lạnh mùa đông
Uống 1-2 ngụm nước mắm ngon (15-30 ml).
2. Dùng cho người bị cảm lạnh gây đau quặn bụng
Uống 1-2 thìa nước mắm nguyên chất (10-20 ml).
3. Nước chấm dành cho người cần ăn kiêng
Đối với những người bị tiêu chảy, đầy bụng, rối loạn tiêu hoá cần ăn kiêng nên ăn nước mắm nguyên chất 30 ml thêm chút tỏi, dấm hoặc đường và lát gừng tươi đập dập. Đây là loại nước chấm ăn với các loại rau tươi hoặc luộc chín; hoặc nước mắm trộn với cơm, hoặc hòa với cháo trắng.
4. Dành cho người cao tuổi, phụ nữ vừa mới sinh đẻ
Thực đơn rau chấm mắm kết hợp với món cá kho tương hoặc thịt kho tàu, tôm rang, ruốc, muối vừng hay lạc thành một bữa ăn lý tưởng cho người cao tuổi, phụ nữ vừa mới sinh đẻ.
Kiêng kỵ: bệnh nhân tăng huyết áp hạn chế dùng nước mắm, người đái tháo đường, người viêm thận phù nề nên kiêng.
Liều dùng: 5-30 ml trong gia vị thực phẩm.
Trên báo Tri Thức Trực Tuyến, ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198) cũng khuyến cáo không dùng nước mắm đối với trẻ dưới một tuổi. Do độ mặn trong nước mắm không tốt cho thận đang còn non nớt của trẻ.
Tổng hợp