Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mong muốn con gái chăm chỉ học tập, người mẹ có hành động khó tin

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Trên nền tảng Jiaodian Video đã xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh người mẹ quỳ gối trước mặt hai cô con gái khẩn thiết cầu xin con hãy chăm chỉ học hành.

Theo VTC News, sự việc xảy ra tại Thái Châu, Chiết Giang, Trung Quốc vào khoảng 8h tối ngày 3/1.

Cụ thể, một người mẹ đã gây chú ý khi quỳ cối trước mặt hai con gái.

Một bé gái nhỏ tuổi hơn đã vô cùng bối rối khi thấy mẹ có hành động này. Trong khi đó, bé gái lớn hơn vẻ mặt thờ ơ nhìn người phụ nữ quỳ dưới đất, miệng không ngừng chửi rủa vài câu.

Người mẹ quỳ gối trước mặt con gái để cầu xin con hãy chịu khó học hành. Ảnh: Sohu

Người đăng tải video cho biết, họ có quan hệ mẹ con. Bé gái học không tốt ở trường nên thường xuyên cô giáo gọi điện về nhà phản ánh kết quả học. Vì muốn con học tập chăm chỉ và cải thiện điểm số, mẹ bé đã đăng ký cho con vào một số lớp học thêm.

Tuy nhiên, bé gái không muốn đến lớp dạy thêm nên đã cãi nhau với mẹ. Lúc đầu, mẹ bé kiên nhẫn phân tích và khuyên con nên học hành chăm chỉ. Nhưng bé gái lại rất bướng bỉnh, không chịu nghe lời thuyết phục, liên tục cãi vã với mẹ.

Sau đó, người mẹ bất ngờ quỳ xuống đường, khóc lóc van xin con hãy chăm học. Tuy nhiên, bé gái tỏ ra thờ ơ khi nhìn thấy mẹ mình quỳ xuống, hai tay đút túi quần, chậm rãi đi tới đi lui trước mặt mẹ đang quỳ gối, miệng vẫn chửi bới.

Sau khi nói những lời hỗn hào với mẹ, hai bé gái rời đi để mặc mẹ quỳ gối trên vỉa hè. Người mẹ thấy con gái bỏ đi thì chạy đuổi theo con.

Cư dân mạng Trung Quốc rất bức xúc trước thái độ của bé gái với mẹ mình, đồng thời chỉ trích cách dạy con phản giáo dục của người mẹ.

"Tại sao lại phải quỳ gối trước mặt con, ngay giữa đường để cầu xin con đi học vậy? “Người mẹ làm như vậy chỉ phản tác dụng"

"Đây không phải là dạy con mà là làm hỏng con"

"Người mẹ đã thất bại hoàn toàn"

"Người mẹ đã thật sự bất lực trong việc dạy con"

"Còn bé mà đã xử sự như vậy thì chứng tỏ mẹ bé đã quá nuông chiều con"...

Ngược lại một số cư dân mạng lại cho rằng, những đứa trẻ sinh ra không phải để học, thực sự không cần thiết phải ép buộc chúng. Cách làm của bà mẹ không chỉ khiến trẻ xấu hổ mà còn gây áp lực cho con. Tốt hơn hết là hãy để con bạn lớn lên và đi theo con đường riêng của mình. Những đứa trẻ không muốn học, không học được tốt hơn hết hãy cho chúng đi học nghề.

Nếu là một phụ huynh có con không thích việc học, bố mẹ nên xử lý thế nào? 5 gợi ý cực hữu ích từ chuyên gia giáo dục

Sẽ có những giai đoạn con bạn cảm thấy chán học, không muốn đến trường vì mệt mỏi với áp lực bài vở hay một nguyên nhân nào đó. Là cha mẹ, chắc chắn bạn vô cùng lo lắng. Vậy phải làm như nào?

Báo Phụ nữ Việt Nam dẫn lời bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, Nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP.HCM cho biết, trong quá trình làm việc với phụ huynh, bà nhận thấy các gia đình có con tự giác học hết tất cả mọi thứ không cần cha mẹ giúp đỡ và có hứng thú với việc học rất ít. Còn lại, hầu hết trẻ đều gặp khó khăn ở một thời điểm nào đó.

Có trẻ sẽ thích học cái này, nhưng lại không hứng thú, không thích học cái khác. Đặc biệt, với nền giáo dục hiện nay, rất nhiều trẻ hoàn toàn không cảm thấy niềm vui gì từ học hành. Nhiều em từ chối hoàn toàn việc học nếu không bị cha mẹ bắt ép.

Theo bà Uyên Phương, nếu con em mình rơi phải trường hợp này, phụ huynh cần lưu ý 5 điều sau:

Quản trị sự kỳ vọng của bản thân về việc học của con

Mặc dù chúng ta thường nghe câu "mỗi đứa trẻ là một thiên tài" nhưng thực tế, năng lực học tập của trẻ sẽ rất khác nhau. Con mình không phải lúc nào cũng có khả năng học tốt như con của người ta, đó là thực tế mà đôi khi chúng ta phải chấp nhận.

Một số trẻ sẽ có những yếu tố bẩm sinh trong tính cách hay khả năng nhận thức giúp các con có khả năng học tốt hơn trẻ khác. Ví dụ: Khả năng ghi nhớ tốt hơn; tính cách điềm đạm, ổn định, tập trung.

Tuy nhiên, khi con không chịu học hay học không tốt, rất nhiều cha mẹ gặp lỗi sai là chỉ trích, trút toàn bộ gánh nặng lên cho con. Thậm chí, một số phụ huynh còn đem điều này ra như một điều kiện để yêu thương con. Chẳng hạn nếu con học dở, cha mẹ không thương con, con không xứng đáng làm con của cha mẹ. Điều này không giúp cho con hứng thú hơn với việc học. Trái lại con sẽ thấy tủi thân và dần xa cách với cha mẹ.

Do đó, trong tình huống này, cha mẹ cần đồng hành cùng con, sẵn sàng tìm những phương hướng để giúp con thuận lợi hơn trong việc học của mình.

Hiểu thiên hướng và phong cách học tập của con

Câu nói "mỗi đứa trẻ là một thiên tài" nói một cách đầy đủ là "mỗi đứa trẻ là một thiên tài theo cách của riêng mình". Có nghĩa có những trẻ sẽ thích nghệ thuật; thể thao hay xã hội... Có những trẻ học bằng cách đọc, cách nghe hoặc chỉ học tốt bằng hình ảnh... Có những trẻ tương tác với các bạn mới học tốt nhưng có trẻ phải ngồi một mình tập trung.

Lý thuyết trí thông minh đa diện được nghiên cứu và phát triển bởi nhà tâm lý học – Giáo sư Howard Gardner cho thấy: Trí thông minh trong một đứa trẻ tồn tại đến 8 loại hình khác nhau, có nghĩa rằng có nhiều con đường khác nhau để học tập.

Nếu chúng ta không có sự hiểu biết về thiên hướng, sở thích các con thì rất dễ rơi vào lỗi "bắt con cá leo cây". Do đó, hãy dành thời gian chịu khó tìm hiểu về sở thích sở trường của con, từ đó hướng con đi theo những định hướng học tập thuận lợi hơn, giúp các con hứng thú hơn.

Hãy khơi gợi trí tò mò của trẻ

Với những câu hỏi tại sao của con, chúng ta hãy đón nhận bằng một thái độ nghiêm túc. Hãy dựa vào những câu hỏi đó để tạo ra những con đường đưa các con đến việc học. Ảnh minh họa

Trẻ con sinh ra đã là những nhà khám phá bẩm sinh. Các con sẽ đặt câu hỏi với những vấn đề xung quanh mình, nhưng nhiều người lớn có xu hướng xem nhẹ những thắc mắc này. Chính sự thờ ơ của người lớn đã gửi một thông điệp "các con đừng nên tò mò nữa, đó là điều không nên". Trong khi đó, chính sự tò mò muốn hiểu biết, muốn đi tìm câu trả lời cho những vấn đề của thế giới này là động lực hàng đầu để duy trì hứng thú với việc học.

Do đó, với những câu hỏi tại sao của con, chúng ta hãy đón nhận bằng một thái độ nghiêm túc. Hãy dựa vào những câu hỏi đó để tạo ra những con đường đưa các con đến việc học.

"Ví dụ, có lần con tôi hỏi tại sao cây lại thường có màu xanh. Tôi nói với con: À, ngày mai mình sẽ cùng nhau đi mua 1 cuốn sách, có thể là cuốn sách về các loài cây hay cuốn bách khoa toàn thư để tìm hiểu về vấn đề này. Thay vì thờ ơ với câu hỏi đó, việc tôi vừa làm chính là tạo ra cho con một cơ hội để tự mình học tập và tìm thêm 1 tri thức mới", bà Phương chia sẻ.

Giảm thiểu các tác nhân gây xao nhãng việc học

Rất nhiều cha mẹ cho con tiếp xúc với các thiết bị màn hình - tác nhân gây xao nhãng hàng đầu hiện nay. Nhưng khi con ham mê và chán học, cha mẹ lại quay ngược lại trách cứ như đó là lỗi của con vậy.

Thế giới trên các thiết bị màn hình hấp dẫn hơn việc học tập. Bởi để học 1 kiến thức hay kỹ năng nào đó, chúng ta rèn luyện vất vả và rõ ràng không thể thú vị bằng việc xem ipad, điện thoại... Do đó, để con có thói quen học tập tốt, chúng ta phải kiểm soát những thói quen này. Có thể ấn định thời gian hoặc đưa ra những nguyên tắc như con phải làm xong bài tập, hoàn thành việc nhà mới được xem thiết bị màn hình trong bao nhiêu phút...

Hãy đồng hành với việc học của con

Trẻ con sẽ có xu hướng dành nhiều sự quan tâm hứng thú hơn với những điều cha mẹ cũng quan tâm. Ví dụ cha mẹ thích đọc sách thì khả năng con cũng sẽ như vậy. Nếu chúng ta xem việc học là chuyện chỉ của 1 mình con, không có sự quan tâm, không làm gương thì thật khó để các con có thái độ ham thích việc học. Hãy dành thời gian trò chuyện cùng con về những sở thích, khó khăn con đang gặp phải trong việc học; cùng con đi viện bảo tàng; đọc sách cùng con...

Thùy Dung (T/h)

Tin nổi bật