Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mộng giàu sang tan như bọt biển, “cái bang” vé số ân hận một đời

(DS&PL) -

Gặp ông Giàu áo quần lem luốc, rách bươm cầm xấp vé số trên tay, nếu không phải người bản địa, chẳng ai nghĩ người đàn ông ấy từng sống trong nhung lụa vung tiền quá trán

Gặp ông Giàu áo quần lem luốc, rách bươm cầm xấp vé số trên tay, nếu không phải người bản địa, chẳng ai nghĩ người đàn ông ấy từng sống trong nhung lụa, vung tiền quá trán. Nhận được khoản tiền lớn nhờ trúng số độc đắc nhưng ông không dành một xu để giúp đỡ người thân mà ném tất cả vào sới bạc. Khi nằm trong căn phòng trọ thuê mái nhà thủng lỗ, đêm có thể nhìn sao trời, ông Giàu dẫu có hối tiếc thì cũng đã quá muộn...

Ảnh minh họa.

Giàu định mang đi trả lại đại lý nhưng lại nghĩ phận mình khổ quá nên quyết định giữ lại cầu may. Thật không ngờ, cả 10 chiếc vé số ế ngày hôm đó đều trúng giải. Khoản tiền trúng số rất lớn, đưa ông từ một kẻ tứ cố vô thân trở thành đại gia.

Ông Sáu Thông, người từng cho ông Giàu ở nhờ trước khi trúng số kể: “Lần đó ông Giàu may mắn trúng được hai tờ giải đặc biệt, mỗi tờ 1,5 tỷ đồng. Tiền thưởng sau khi trừ thuế và tiền hoa hồng cho người đổi thưởng, còn lại khoảng 2,6 tỷ đồng”. Nhưng có lẽ hành động đúng đắn nhất của ông Giàu sau khi “bỗng dưng giàu có” là bỏ gần 1 tỷ đồng mua một căn nhà để thỏa mãn ước mơ bấy lâu.

Lúc đó, khi những người cùng cảnh ngộ đến chia vui, ông cứ vỗ đùi cười khanh khách: “Ngày trước, ba mẹ sinh tôi đặt tên Giàu là vì các cụ nghe một thầy bói nói tương lai của tôi sau này giàu có lắm. Lớn lên, tôi chỉ thấy đói hoài, cơm không đủ ăn, áo quần cả năm chả dám mua một bộ. Bây giờ thì tôi thành đại gia rồi đó”. Mấy ngày liền, cả con phố nơi ông Giàu ở trọ đều chật cứng người đến hỏi thăm. Nhưng người đến chia vui thì ít mà chờ hưởng sái “lộc trời” thì nhiều. Ông Giàu chẳng ngại ngần vung tiền ra cả xấp, ai đến cũng cho dù ít hay nhiều. “Ông ấy có nhiều tiền quá nên cứ nghĩ tất cả là do “bề trên” ban lộc, vì thế bất cứ người nào bày biểu cái gì cũng răm rắp làm theo”- một người từng chứng kiến cảnh ông Giàu “ném tiền qua cửa sổ” nhớ lại.

Tậu nhà chưa lâu đã treo biển rao bán

Quá trình tập làm quen với cuộc sống giàu có, ông Giàu thay đổi đến chóng mặt, khiến nhiều người thân thiết thuở hàn vi cũng không còn nhận ra. Người ta thường bắt gặp ông ngồi vắt chân hút thuốc, ngồi xe xịn chạy quanh cho thiên hạ ngửi khói hay la cà bên mấy em nhân viên ở các quán cắt tóc, đèn mờ.

Bác Trương làm nghề cắt tóc trong con hẻm ông Giàu từng ở kể lại: “Sau khi trúng số ông ấy không phải đi bán vé số, lo ăn từng bữa như trước nữa, thay vào đó là cuộc sống vương giả của một phú hào trong con hẻm nhỏ. Ông thay đổi hẳn, sống rất phóng khoáng. Mỗi lần ra đường ông ấy ăn bận, chải chuốt đàng hoàng chở mấy cô gái trẻ đẹp đi chơi đây đó và tối về không quên ghé lại mấy quán cafe mờ ảo ánh đèn tranh thủ mua các xấp vé số để cầu may”. "Ông ấy đã biến ngôi nhà của mình thành điểm nhậu nhẹt, cờ bạc, cá độ. Chưa hết, cứ cô gái nào đến than thở là ông ấy vung tiền cho”, chị H., một người bán tạp hóa ở gần ngôi nhà cũ của ông Giàu kể.

Khi có tiền, ông Giàu sắm những vật dụng đắt tiền rất tùy hứng, chi tiêu không tính toán nên chẳng mấy chốc số tiền còn lại đã không cánh mà bay. Lúc này, ông mới giật mình và quyết định gỡ lại tiền bằng... đánh bạc. Thắng được vài triệu đồng, ông lại ham rồi sa vào đỏ đen lúc nào không hay. Cùng chứng kiến cảnh xuống dốc đến mức phải bán nhà để rồi trắng tay lại hoàn trắng tay của ông Giàu, nhiều người hàng xóm cho rằng, nếu ông này lo kiếm việc làm ăn thay vì chỉ cờ bạc và đàn bà, thì sự việc đã không đến nỗi.

“Tiền trúng số là phần thưởng trời cho, loại tiền này không kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, không vất vả cày cuốc, làm lụng nên không cần phải giữ. Ngoài ra, trúng số là may mắn nên phải chia sẻ cho người khác” - Với suy nghĩ ấy, nên ông chẳng ngần ngại vung tiền ra để cố quên đi ngày tháng từng lam lũ mưu sinh. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi tậu nhà, biển “bán nhà” đã được treo lên. Điều này cũng không làm mấy người dân ngạc nhiên, bởi bất cứ ai khi từng chứng kiến cảnh ông vung tiền như nước thời điểm đó cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Thậm chí, nhiều người còn cá cược vui với nhau rằng, khoảng bao lâu thì ông Giàu hết tiền. Mọi người cũng chẳng phải chờ lâu để biết kết quả, chỉ khoảng 1 năm đã thấy tỷ phú xổ số treo biển bán nhà.

Hối hận muộn màng

Trò chuyện với phóng viên, ông Giàu hối tiếc: “Tất cả đã trôi theo mây khói bởi vì tôi ăn tiêu phung phí và máu me cờ bạc. Giờ ở trong căn phòng trọ thuê mái nhà thủng lỗ, đêm nằm trong mùng có thể nhìn sao trời mới hối tiếc thì đã muộn. May mắn trúng số, thay vì dành dụm cho tuổi già, tôi lại “nướng” sạch chẳng cần biết ngày mai”. Ông cho biết, sau khi hết tiền, ông đã quay lại nghề bán vé số, sống nương nhờ hàng xóm.

Căn phòng mà ông Giàu tá túc nằm xa tít tắp ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) với giá thuê chỉ vài trăm ngàn/1 tháng. Tuy nhiên, số tiền đấy cũng đang trở nên quá sức với “đại gia vé số” một thời. Ngày còn tiền rủng rỉnh, bao người vây quanh, giờ đây tiền hết thì ông chỉ lủi thủi một mình.

Bà Năm, chủ nhà trọ hiện ông Giàu thuê ở kể: “Lúc mới đến đây thuê phòng, thấy ông ấy cầm theo trên tay cả xấp vé số, ăn mặc hôi hám, đầu tóc rũ rượi, mặt mũi bơ phờ... thấy tội quá nên tôi mới lấy giá rẻ. Mãi đến sau này, qua một số bạn cùng dãy trọ kể chuyện thì tôi mới biết ông Giàu từng một thời là đại gia. Đôi lần ghé xuống phòng thu tiền trọ, thấy ông ấy bị ốm, nằm co quắp trong phòng, xoong, nồi vứt chỏng chơ, chuột bò lổm ngổm mà thấy tội nghiệp”.

Trên các trục đường như Nguyễn Ái Quốc, ngã tư Avata của TP.Biên Hòa, dù nắng hay mưa, người đi đường hay bắt gặp một người đàn ông tay cầm xấp vé số, dáng gầy xọp, quần áo lem luốc đến mời chào khách mua. Lần trúng số của ông Giàu đã trôi qua như một giấc mơ như thế...

Ái Nhi
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số chủ nhật số 20

Tin nổi bật