Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Món ăn dễ gây nhiễm sán lá gan

  • Thùy Dung (T/H)
(DS&PL) -

Ăn gỏi không đúng cách đang là nguyên nhân khiến hàng triệu người Việt có thể mắc các bệnh về sán lá gan, sán dây và ký sinh trùng.

Báo Lao Động dẫn lời TS.BS Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Hà Nội) cho biết, tại Việt Nam, tình trạng nhiễm sán lá gan đang trở thành vấn đề sức khỏe đáng báo động. Khoảng 1 triệu người nhiễm sán lá gan nhỏ do thói quen ăn cá làm gỏi, cá muối hoặc chưa nấu chín. Ngoài ra, hàng trăm nghìn người mắc các bệnh giun sán khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Bệnh sán lá gan nhỏ có thể gây viêm đường mật, viêm túi mật, hình thành sỏi mật, dẫn đến xơ gan, xơ hóa đường mật và thậm chí là ung thư đường mật. Các nghiên cứu dịch tễ cho thấy bệnh phổ biến tại 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và 12 tỉnh, thành phố thuộc miền Trung và miền Nam, với khoảng 1 triệu người nhiễm. Nguyên nhân chính xuất phát từ thói quen ăn các món cá sống như gỏi cá, cá ủ chua.

Các loại cá như cá mè, cá diếc, cá trắm sống trong môi trường ô nhiễm có thể chứa ấu trùng sán lá gan nhỏ. Ảnh minh hoạ.

Bệnh sán lá gan lớn đã được ghi nhận tại 53/60 tỉnh, thành trên cả nước. Loại sán này có thể gây áp xe gan, đồng thời di chuyển đến các cơ quan khác, gây tổn thương nghiêm trọng tại vị trí ký sinh.

Sán lá gan gồm hai loại phổ biến: sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn (Fasciola spp.). Nguyên nhân chính gây nhiễm bệnh là do:

Ăn cá nước ngọt chưa nấu chín: Các loại cá như cá mè, cá diếc, cá trắm sống trong môi trường ô nhiễm có thể chứa ấu trùng sán lá gan nhỏ. Người nhiễm sán lá gan nhỏ khi ăn phải cá có ấu trùng sán chưa được nấu chín, ấu trùng vào dạ dày, xuống tá tràng, ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và gây bệnh ở đường mật như tắc mật, viêm đường mật, áp xe gan do sán. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng nang đến khi sán trưởng thành từ 26-30 ngày.

Bệnh sán lá gan lớn: Người bị nhiễm bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong...) hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán.

Uống nước chưa đun sôi hoặc rửa tay không sạch: Một số trường hợp nhiễm sán lá gan có thể xảy ra do tiếp xúc với nước bẩn.

Cách phòng chống bệnh sán lá gan

Phòng ngừa luôn là biện pháp hiệu quả nhất để điều trị các vấn đề sức khỏe. Bạn cần biết rằng bệnh sán lá gan hoàn toàn có thể ngăn ngừa dễ dàng. Do đó, để phòng chống bệnh do sán lá gan gây ra, mỗi người cần phải thực hiện các biện pháp sau:

Ăn chín, uống sôi, không ăn các loại gỏi cá sống hoặc các món ăn chế biến từ cá, cua, ốc nếu không được nấu chín hoàn toàn.

Không uống nước lã, nước chưa được đun sôi.

Không ăn gan động vật chưa được nấu chín, tiết canh.

Để phòng chống bệnh sán lá gan, tiết canh là một trong những món không nên ăn. Ảnh minh hoạ.

Hạn chế ăn sống hoặc chưa nấu chín các loại rau thủy sinh như cải xoong, rau ngổ, rau cần, ngó sen,... Đặc điểm của sán lá gan lớn là bám rất chắc vào thành rau. Do vậy, dù rửa kỹ dưới vòi nước chảy trực tiếp thì vẫn khó loại bỏ sán hoàn toàn. Vì thế, các loại rau thủy sinh cần được nấu chín kỹ trước khi ăn. Nhiệt độ cao sẽ giúp tiêu diệt hoàn toàn các ấu trùng sán gan trong rau và không gây hại cho sức khỏe.

Rửa sạch tay thường xuyên, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Giữ gìn vệ sinh nơi sinh hoạt, không thả phân tươi xuống ao cá, không phóng uế vào nguồn nước.

Không dùng phân tươi bón rau. Tiến hành tẩy giun, sán định kỳ 6 tháng/lần.

Bên cạnh việc thực hiện các cách phòng bệnh sán lá gan như nâng cao ý thức vệ sinh, chú ý cách ăn uống,... thì bạn cũng cần theo dõi sự thay đổi của cơ thể. Nếu thấy có biểu hiện bất thường nghi nhiễm giun sán, cần đến ngay các cơ sở y tế để xét nghiệm tìm ra nguyên nhân cũng như được thăm khám và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh, thông tin trên Báo Dân tộc.

Tin nổi bật