Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (16/2), không khí lạnh đã ảnh hưởng vùng núi khu Đông Bắc Bắc Bộ nước ta.
Sáng ngày 16/2, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến những nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3.
Ở phía Đông Bắc Bộ trời rét, vùng núi có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến từ 15-18 độ, vùng núi có nơi dưới 14 độ.
Khu vực Hà Nội có mưa, mưa nhỏ; trời rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 17-19 độ.
Đợt không khí lạnh này tăng cường trên nền nhiệt của đợt đêm 12-13/2 vừa qua khiến nền nhiệt khu vực tiếp tục rét kéo dài kèm mưa, mưa phùn và sương mù.
Miền Bắc đón không khí lạnh liên tiếp. Ảnh minh họa
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường yếu lệch Đông kết hợp với dòng xiết trong đới gió Tây trên cao từ nay đến sáng 17/2, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa nhỏ rải rác. Riêng khu Tây Bắc có mưa nhỏ vài nơi, trưa chiều trời nắng, đêm và sáng trời rét.
Đợt không khí lạnh tăng cường trên sau suy yếu chậm, từ ngày 21/2 tăng cường trở lại xuống Bắc Bộ.
Các chuyên gia khí tượng lưu ý, không khí lạnh lệch Đông và biến tính gây ra nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, đặc biệt ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ tác động đến các hoạt động dân sinh cũng như giao thông của người dân.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường yếu lệch Đông kết hợp với dòng xiết trong đới gió Tây trên cao từ ngày 16/02 đến sáng 17/02, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa nhỏ. Trời rét, vùng núi có nơi rét đậm có khả năng ảnh hưởng đến tới gia súc, gia cầm; ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Theo các chuyên gia y tế, mùa Xuân có thời tiết lạnh, mưa nhiều và môi trường nồm ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus sinh sôi nhanh chóng, từ đó làm tăng khả năng gây bệnh ở con người.
Các bệnh dễ mắc gồm: Cúm mùa, Dị ứng thời tiết, Bệnh đường hô hấp (hen, viêm phế quản, viêm phổi, viêm khí-phế quản cấp), sởi, thủy đậu, viêm màng não mô cầu…
Để phòng bệnh truyền nhiễm, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh:
- Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch.
- Giữ ấm cơ thể, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý không nên mặc quá nhiều áo (nhất là trẻ em vì có thể làm trẻ bị toát mồ hôi và ngấm ngược lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao).
- Tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng, hạn chế đến nơi đông người. Trường hợp ra ngoài phải đeo khẩu trang.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống, rửa tay với xà phòng đúng cách, vệ sinh mũi, họng hàng ngày.
- Cần ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.