Toàn cảnh Depot Nhổn
Sáng 19/3, trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đến thời điểm này, các đoàn tàu đã hoàn thành đăng kiểm, phòng cháy chữa cháy. Trải qua một tuần chạy thử, MRB đã hoàn thành 7/57 kế hoạch tình huống, quá trình thực hiện cho thấy công tác vận hành diễn ra thuận lợi, đúng kịch bản. Kịch bản sẽ tăng độ khó dần, càng về sau mức độ khó sẽ tăng lên để kiểm chứng lại nhân sự.
Việc chạy thử sẽ kết thúc vào ngày 26/4. Sau đó, cơ quan chức năng đưa ra chứng nhận an toàn hệ thống. Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) có vai trò thẩm định, báo cáo lên Hội đồng kiểm tra Nhà nước chấp thuận. Dự kiến, tuyến sẽ được vận hành khai thác thương mại vào đầu tháng 7/2024.
Ông Nguyễn Bá Sơn cho biết, việc đưa ra tới 57 kịch bản cho việc kiểm tra tuyến Metro là kịch bản được các chuyên gia quốc tế đề xuất, dựa trên kinh nghiệm hàng trăm năm ở châu Âu, đảm bảo tuyến hoạt động hiệu quả, an toàn nhất. Trong trường hợp kịch bản thực hiện chưa thuần thục sẽ được tiến hành lại để tăng tính hiệu quả, an toàn.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB)
Công tác Vận hành thử là bước cuối cùng trong 8 bước thử nghiệm và căn chỉnh hệ thống trước khi đưa Dự án Tuyến ĐSĐT thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (Dự án) vào vận hành chính thức.
Mục tiêu của giai đoạn này là dựa trên vận hành thực tế, thực hiện quy trình toàn diện để xác minh các yếu tố vận hành bao gồm tài liệu, quy trình vận hành cũng như kiến thức và kỹ năng của nhân sự vận hành và bảo dưỡng (O&M).
Quá trình Vận hành thử được thực hiện với 57 kịch bản trong vòng 7 tuần, bắt đầu từ ngày 11/3/2024 và kết thúc vào 26/4/2024
Quá trình Vận hành thử được thực hiện với 57 kịch bản trong vòng 7 tuần, bắt đầu từ ngày 11/3/2024 và kết thúc vào 26/4/2024. Mỗi kịch bản được thiết kế nhằm đánh giá các chức năng vận hành cụ thể như vận hành đoàn tàu, liên lạc, quản lý hành khách, quản lý thiết bị, theo các tình huống cụ thể có thể xảy ra trong quá trình vận hành thương mại.
Trung tâm Điều hành, giám sát và chỉ huy toàn tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được đặt tại khu depot Nhổn
Các nhân sự vận hành và bảo dưỡng ở các vị trí công tác của mình sẽ được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ đã được đào tạo, sử dụng các công cụ vận hành do tư vấn và các nhà thầu cung cấp. Khi toàn bộ kịch bản đã hoàn thành, Báo cáo vận hành thử bản chính thức – báo cáo về năng lực vận hành an toàn tuyến đường sắt sẽ được đệ trình lên các cơ quan hữu quan nhằm xác định tính an toàn của tuyến đường sắt đô thị.
Giai đoạn Vận hành thử được chia ra 3 phần: Giai đoạn 1: các bài thực hành vận hành ở chế độ thông thường; Giai đoạn 2: các bài thực hành vận hành ở chế độ hạn chế; Giai đoạn 3: các bài thực hành vận hành ở chế độ khẩn cấp.
Bắt đầu một ngày làm việc, tất cả nhân sự liên quan sẽ tập trung, kiểm tra kế hoạch, tóm tắt công việc trong ngày, bộ phận an ninh sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn
Trong tuần thứ nhất của quá trình Vận hành thử, Dự án đã thực hiện 7/57 kịch bản, các hoạt động được diễn ra thuận lợi, cơ bản đáp ứng các yêu cầu đã đặt ra. Khối lượng công việc tính đến hết tuần 1 của Vận hành thử là: 12,3%. Các lỗi nhỏ trong Vận hành thử đã được các bên nhận diện, Tư vấn thực hiện Dự án - Systra phối hợp với các Nhà thầu liên quan xử lý kịp thời ngay khi phát hiện và không gây ảnh hưởng đến kết quả chung.
Sau tuần 1 vận hành ở chế độ thông thường, trong tuần 2 này, Dự án bắt đầu thực hiện một số kịch bản vận hành ở chế độ hạn chế. Ngày hôm nay 19/3/2023, bên cạnh thực hiện mô phỏng vận hành thông thường, Dự án triển khai 2 kịch bản là: sử dụng máy rửa tàu và thực hiện rút tàu về (sử dụng biểu chạy tàu).
Lái tàu đang thực hành với hệ thống tàu chạy như lúc vận hành thương mại
Vận hành thử sẽ bắt đầu từ 7h45 - 16h45, hàng ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu. Bắt đầu một ngày làm việc, tất cả nhân sự các bên liên quan sẽ tập trung, kiểm tra kế hoạch, tiếp đến là tóm tắt công việc trong ngày và bộ phận an ninh sẽ chịu trách nhiệm nhắc nhở về an toàn.
Trong quá trình nhân viên thực hiện kịch bản, các chuyên gia của tư vấn Systra sẽ theo dõi và ghi lại chi tiết để xem các kịch bản có được thực hiện theo trình tự và cách thức phù hợp hay không.
Về cơ bản, Metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao đã sẵn sàng cho việc khai thác thương mại
Cuối mỗi kịch bản, chuyên gia sẽ đánh giá mức độ hoàn thành của kịch bản. Trường hợp có các vấn đề trở ngại hoặc lỗi lớn, kịch bản đó được đánh giá chưa hoàn thành và cần đưa ra phương án xử lý, khắc phục, thực hiện lại.
Vào cuối mỗi ngày trong giai đoạn Vận hành thử, kết quả của mỗi kịch bản sẽ được ghi lại trong biểu đồ Gant, biểu đồ này cho phép đưa ra tiến độ của Vận hành thử và theo dõi quá trình lên kế hoạch lại.
Hệ thống bán vé đã hoàn thiện, người dân có thể dễ dàng mua vé và sử dụng dịch vụ
Quá trình vận hành thử có sự tham gia của: Chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, Tư vấn Systra, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, Tư vấn kiểm tra chứng nhận an toàn hệ thống, các Nhà thầu. Đối với Vận hành thử thông thường, Dự án có sự tham gia chứng kiến của: Sở GTVT, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đăng kiểm và Cục Quản lý đầu tư xây dựng – Bộ GTVT, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu xây dựng công trình.
Bên cạnh thành phần theo kịch bản thông thường, Vận hành thử với các kịch bản xử lý tình huống khẩn cấp cần thêm sự tham gia chứng kiến của: Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Hà Nội, Cơ sở y tế và chính quyền địa phương tại địa điểm tổ chức kịch bản.
Trong tuần thứ nhất của quá trình Vận hành thử, Dự án đã thực hiện 7/57 kịch bản, các hoạt động được diễn ra thuận lợi, cơ bản đáp ứng các yêu cầu đã đặt ra
Đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống được thực hiện theo các tiêu chuẩn châu Âu và theo yêu cầu của các quy định của Việt Nam. Tư vấn Liên danh Apave – Bureau Veritas – Certifer (ABC) được lựa chọn và đồng hành cùng Dự án từ quá trình thi công xây dựng sẽ thực hiện công tác đánh giá và thể hiện trong các báo cáo đánh giá, kết quả cuối cùng sẽ là Chứng chỉ an toàn hệ thống.
Toàn bộ quá trình Vận hành thử, Tư vấn chứng nhận an toàn hệ thống có các chuyên gia được huy động để quan sát, kiểm tra và đánh giá và phát hành chứng chỉ an toàn hệ thống khi kết thúc quá trình Vận hành thử.
Trong tuần tới, lái tàu và nhân viên OCC sẽ cùng thực hành xử lý các tình huống khẩn cấp, ứng phó hỏa hoạn và sơ tán hành khách trên tàu
Công tác Vận hành thử (Trial Run) là Bước cuối cùng trong 8 bước Thử nghiệm và Căn chỉnh hệ thống trước khi đưa Dự án vào Vận hành. 8 bước bao gồm:
1-Thử nghiệm nghiệm thu tại nhà máy; 2-Lắp đặt; 3-Kiểm tra sau lắp đặt; 4-Thử nghiệm đơn động; 5-Thử nghiệm tích hợp tĩnh; 6-Thử nghiệm tích hợp động; 7-Chạy thử; 8-Vận hành thử.
Máy rửa tàu TWM (Train Washing Machine) được sản xuất bởi Nhà thầu Alstom (CH Pháp) thuộc gói thầu CP06 của Dự án. Máy đặt giữa đường ray, đầu khu dừng đỗ tàu trong Depot Nhổn. TWM thực hiện nhiệm vụ rửa vỏ ngoài các đoàn tàu với phương thức hoạt động như sau: đoàn tàu tới vị trí cửa vào khu đặt máy rửa, máy tự động khởi động.
Trong giai đoạn thử nghiệm hạn chế có phần kịch bản sử dụng máy rửa tàu
Đoàn tàu đi xuyên qua TWM ở tốc độ 3-5 km/h và các trình tự của chu trình sẽ diễn ra tự động: các vòm phun nước sẽ phun nước để rửa bụi bám bề mặt, làm ướt hai bên thân tàu trước khi sử dụng dung dịch tẩy rửa; bộ vòm phun sẽ phun dung dịch tẩy rửa lên thân tàu; Bộ chổi quay ngược theo hướng chuyển động của thân tàu để làm sạch nóc và hai bên thân tàu; Tiếp theo vòm xả sẽ phun nước xả sạch; Quạt gió sẽ sấy khô thân tàu; Đoàn tàu được rửa sạch và di chuyển ra khỏi đường cửa. Nước để rửa tàu được xử lý tái chế qua hệ thống tái chế gồm có bể ngầm , cho phép thu nước để tái sử dụng, giúp tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh máy TWM, Dự án còn có khu vệ sinh nội thất tàu được đặt tại Nhà bảo dưỡng nằm trong Depot.
Nguyễn Lâm