Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mê tà đạo, “vua một cõi tự xưng" đẩy gia đình vào bi kịch

(DS&PL) -

Đặt niềm tin mù quáng vào tà đạo, người đàn ông tự xưng “vua” tại gia. Để rồi chính cách cư xử hà khắc của ông ta đã đẩy cả gia đình vào một tấn bi kịch đau thương.

Đặt niềm tin mù quáng vào tà đạo, người đàn ông tự xưng “vua” tại gia. Để rồi chính cách cư xử hà khắc của ông ta đã đẩy cả gia đình vào một tấn bi kịch đau thương: Vợ giết chồng, con giết cha...

Gia đình tan nát vì tà đạo

Nhiều năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại bi kịch của gia đình ông Trần Chiển (SN 1955, ngụ xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), người dân địa phương vẫn không khỏi xót xa, thương cảm. Không chỉ bởi cái kết của bi kịch quá thảm thương mà nguyên nhân dẫn đến bi kịch đó cũng khiến nhiều người phải buồn lòng, suy ngẫm.

Di ảnh ông Chiển, người đàn ông mê tà đạo.

Gần 30 năm trước, vì 2 chữ “duyên nợ”, bà Nguyễn Thị Lùng (SN 1960) và ông Chiển nên nghĩa vợ chồng. Cả hai có với nhau 5 người con. Trên 5 công ruộng do cha mẹ để lại, vợ chồng bà Lùng cùng nhau canh tác.

Dù cuộc sống không mấy khá giả nhưng nhờ chú tâm làm ăn nên gia đình ông Chiển cũng đủ sống qua ngày. Thế nhưng, cuộc sống hạnh phúc ấy đã kết thúc sau 10 năm, từ khi ông Chiển vướng vào rượu chè. Từ ngày trở thành “đệ tử lưu linh”, ông đi khắp nơi tìm bợm nhậu kết giao, cặp kè say xỉn tối ngày. Từ chỗ là trụ cột gia đình, ông dần trở thành gánh nặng của vợ con. Không những thế, mỗi khi có rượu trong người, ông lại bực dọc, đánh đập vợ con.

Dù bà Lùng và các con đã ra sức khuyên ngăn, thậm chí là van xin nhưng Chiển vẫn “chứng nào tật nấy”. Không khí gia đình vì thế mà trở nên ngột ngạt. Bà Lùng đã nhiều lần phải đâm đơn ra tòa xin ly hôn để được giải thoát. Thế nhưng, khi tòa còn chưa kịp ra phán quyết thì bỗng nhiên ông Chiển bỏ hết rượu chè. Nghĩ chồng mình vì vợ con mà thay đổi, bà Lùng mừng rỡ rút đơn xin ly hôn.

Tuy nhiên, niềm vui vừa mới nhen nhóm đã vội vụt tắt khi bà nhận ra chồng mình trở thành tín đồ của một đạo phái mê tín dị đoan. Biết chuyện, vợ con ông Chiển rồi cả người thân, hàng xóm kéo tới khuyên can nhưng người đàn ông này vẫn quyết tâm theo đuổi niềm tin mù quáng.

“Ngày cha theo đạo mới, cả gia đình khuyên can nhưng cha không nghe. Đã vậy, còn bắt cả nhà phải theo đạo mới như cha. Không cam tâm nhìn chồng rơi vào vũng lầy, mẹ tôi kịch liệt phản đối, khuyên can. Lúc này, cha nói: “Mày không nghe tao sau này quỷ ám, quỷ nhập vào tụi bây thì đừng hòng nhờ tao cứu giúp””, chị Trần Thị D. (con ông Chiển) đau đớn kể lại.

Bi kịch vợ giết chồng, con giết cha

Theo lời chị D., trước đó, khoảng đầu năm 2006, trong một dịp tình cờ, ông Chiển gặp được “thánh cô” tại TP.Cần Thơ. Sau đó, ông tham gia, sinh hoạt tà đạo trái pháp luật. Vụ việc bị phát hiện, ông Chiển cùng một số đối tượng bất hảo đã vượt biên bỏ trốn ra nước ngoài trái phép, rồi bị buộc phải hồi hương.

Kể từ ngày đó, ông Chiển đã thay đổi tâm tính hoàn toàn. Ông này tự cho mình là “thầy đạo” rồi xưng là “vua” một cõi. Ông bắt đầu truyền bá tín ngưỡng dị đoan tới mọi người với tôn chỉ sùng bái “thần”, xua đuổi, trừ tà ma quỷ và giúp người trần tục tìm được bờ cõi hạnh phúc từ thế giới bên kia.

Ép buộc vợ con theo đạo bất thành, ông Chiển sinh ra cộc cằn, đối xử độc đoán với người thân của mình. “Khi ấy cha cứ nghĩ mình là “vua” cho dù ở gia đình hay ra ngoài xã hội. Đặc biệt là khoảng thời gian cha “mộ đạo”, cha luôn gọi mẹ con tôi là “tụi con”, “tụi đệ” phải nghe lời phán xét của “thầy”. Con cái trong nhà không ai được đi trước mặt cha mà chỉ được đi sau lưng. Ngoài ra, khi dọn cơm thì dâng riêng cho cha một mâm vì “vua” không ngồi chung với “thường dân”, dù khi đó, kinh tế gia đình kiệt quệ, ăn còn không đủ”, chị D. lau dòng nước mắt kể lại.

Chị D. đang chia sẻ câu chuyện với PV.

Những mâu thuẫn dai dẳng diễn ra suốt một thời gian dài đã dẫn đến tấn bi kịch đau lòng vào giữa trưa 15/7/2011. Sau nhiều ngày dẫn 2 con về nhà ngoại “lánh nạn”, mẹ con bà Lùng quay về nhà với mục đích hái dừa bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Trưa hôm đó, khi 3 mẹ con đang hái dừa thì ông Chiển bất thình lình trở về. Thấy vợ con đang chặt dừa, người đàn ông này giận dữ quát mắng rồi cầm dao rượt đuổi vợ, đòi chém. Chứng kiến sự việc, 2 người con ông Chiển là Trần Quý L. (SN 1991) và Trần Út H. (SN 1996) vội chạy tới can ngăn.

Trong lúc giằng co, H. bị con dao trên tay của cha làm bị thương. Mất bình tĩnh, H. liền chộp lấy khúc cây gần đó đánh trúng tay ông Chiển. Sau khi bò dậy, ông Chiển vội chạy về hướng ngôi nhà. Nghĩ cha định vào nhà lấy dao ra tiếp tục đuổi chém, 3 mẹ con bà Lùng liền hùa nhau khống chế ông Chiển. Dù bị vợ và các con đè ngã xuống đất, ông Chiển vẫn luôn miệng hét “tao là “vua” một cõi mà dám đánh tao à?”, mẹ con bà Lùng vẫn dùng dây dù siết cổ ông Chiển với mục đích cho  người này tỉnh ngộ. Tuy nhiên, không may lực siết quá mạnh khiến ông Chiển tử vong sau đó.

Thế là chồng mất, vợ và con trai vướng vòng lao lý. Dù may mắn không bị truy cứu về tội giết cha nhưng trước những lời đàm tiếu, dị nghị của người đời, H. phải bỏ nhà ra đi. 

“Sau ngày định mệnh ấy, thằng H. quay về nhà bỗng nhiên lầm lì ít nói, khù khờ hơn trước nhiều. Mấy tháng liền không đêm nào H. dám ngủ một mình, cũng không dám đi ra phía trước nhà. Không chịu nổi áp lực từ những lời dị nghị, đàm tiếu của chòm xóm, em tôi lặng lẽ xách ba lô đi biệt tích. Một thời gian sau, khi cuộc sống ổn định nó mới liên lạc về với gia đình. Hiện tâm lý của H. đã ổn định hơn xưa rất nhiều và đang là công nhân cho một công ty tại tỉnh Bình Dương”, chị D. chia sẻ.

Nhớ lại cảnh tượng ngày mẹ và 2 cậu em trai đứng sau vành móng ngựa, chị D. không khỏi bùi ngùi chua xót. Người phụ nữ 31 tuổi này chia sẻ, ngày bi kịch xảy đến với gia đình, chị cùng 2 thành viên trong nhà cũng muốn nhận tội chung. Trong thâm tâm, chị nghĩ cha là người có lỗi, bản thân mẹ và các em chị mới chính là nạn nhân. Vì cha chị nhiễm tà đạo nên tính tình trở nên cộc cằn và khó trăm bề. Tuy nhiên, may mắn là vụ việc sau đó đã được cơ quan chức năng làm rõ, giúp gia đình chị D. bớt đi phần nào đau thương.

“Sự việc đã xảy ra nhiều năm, bản thân tôi giờ đây cũng không còn giận cha nữa. Mỗi lần vào thăm mẹ và em trai ở trại giam, các thành viên trong gia đình đều bày tỏ sự tiếc thương về cái chết của cha. Mẹ và em trai tôi đều hứa sẽ cải tạo thật tốt để pháp luật khoan hồng. Giờ mọi người trong nhà ai nấy đều mong ngày mẹ với L. về để cùng chung sống với nhau như ngày xưa dù thiếu bóng cha cũng hơi buồn”, chị D. tâm sự.

Vụ án đau lòng

Vụ án xảy ra khiến một gia đình tan nát, người chết, kẻ vướng vòng lao lý, nhiều người dân địa phương xót xa. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 22/2/2012, TAND tỉnh Trà Vinh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Lùng 9 năm tù giam, bị cáo Trần Quý L. 14 năm tù giam cùng về tội Giết người.

Hoàng Minh

Tin nổi bật