Ngày 16/5, Tòa án nhân dân Cấp cao TP.Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, để làm rõ số tiền hơn 400 tỷ đồng trong 52 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ ruột bị cáo Phan Quốc Việt (cựu Tổng giám đốc Công ty Việt Á).
Tại tòa, bà Đàm Thị Trinh (mẹ bị cáo Phan Quốc Việt) cho biết, bà có kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm hủy bỏ kê biên 52 sổ tiết kiệm đứng tên mình với tổng số tiền 412 tỷ đồng.
Khoản tiền trên đều do Việt chuyển cho mẹ và vợ mình vào thời điểm cuối năm 2021. Trình bày trước tòa, bà Trinh khai nhận, trong khoảng thời gian 10 năm từ 2008-2018, bà nhiều lần cho Việt vay tiền để gây dựng công ty.
Trong đó, nhiều lần bà cho Phan Quốc Việt vay vàng, đô la, quy đổi ra tổng hơn 400 tỷ đồng. Số tiền này có được từ lúc bà dành dụm khi kinh doanh và vay mượn từ rất nhiều người. Nhiều trường hợp cũng có giấy vay hoặc lập vi bằng. Ngoài ra, bà còn được gia đình cho của hồi môn 1.000 cây vàng và sau đó bà lấy ra cho Phan Quốc Việt vay.
Bị cáo Phan Quốc Việt.
Tháng 10/2021, Việt hai lần trả nợ cho bà, lần đầu 250 tỷ, sau 200 tỷ đồng. Sau đó, bà Trinh rút ra 38 tỷ trả nợ người thân, bạn bè, còn lại mang gửi tiết kiệm tổng 412 tỷ đồng. "Mong Tòa xem xét cho tôi nhận lại số tiền này, vì giờ hai vợ chồng già rồi không làm gì được nữa", bà nói.
Luật sư của bà Trinh cũng trình lên Hội đồng xét xử (HĐXX) những tài liệu chứng minh. Sau khi xem xét, HĐXX đánh giá những giấy tờ vay mượn hoặc lập vi bằng được lập từ 1 phía, giá trị pháp lý gần như không có. HĐXX sẽ xem xét đánh giá lại các chứng cứ này. “Khi cho vay, bà có làm hợp đồng công chứng có xác nhận của cơ quan chức năng không?”, đại diện viện kiểm sát đặt câu hỏi. Bà Trinh trả lời: “Vì mẹ cho con trai vay không nghĩ xảy ra việc như ngày hôm nay nên không làm hợp đồng công chứng”.
Quá trình xét hỏi, HĐXX cũng giải thích: Tòa cấp sơ thẩm xác định số tiền Việt có được và chuyển cho mẹ mình là từ nguồn thu lời bất hợp pháp từ việc kinh doanh kit test nên phải thu hồi. Bà Trinh tiếp tục trình bày, bà không biết số tiền đó bất hợp pháp hay không mà chỉ biết bà cho con vay và Việt chuyển tiền để trả nợ. “Tôi không liên quan đến hành vi phạm tội của Việt nên đề nghị hủy kê biên 52 số tiết kiệm. Tôi mong được trả lại số tiền này để trả nợ, 2 vợ chồng tôi đều đã già, không làm ăn được gì”, bà Trinh nói.
Đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm, 412 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của bà Trinh có nguồn gốc của Phan Quốc Việt, là tiền bất hợp pháp nên cần thu hồi. Bà Trinh còn không có hợp đồng công chứng thể hiện cho con trai vay tiền nên việc phong tỏa sổ tiết kiệm của bà "là không sai".
Tại tòa, vợ của Phan Quốc Việt là bà Hồ Thị Thanh Thủy cũng kháng cáo đề nghị hủy kê biên 2 sổ tiết kiệm tổng 20 tỷ đứng tên con mình. Bà Thuỷ cho hay, số tiền trên có được từ việc hai vợ chồng làm ăn kinh doanh để dành mà có được. Tháng 9/2021, Phan Quốc Việt chuyển cho bà 20 tỷ và bà gửi ngân hàng, làm sổ tiết kiệm đứng tên con mình.
Cũng tại tòa, Phan Quốc Việt xác nhận lời khai của mẹ là đúng, khẳng định hai lần chuyển 450 tỷ đồng cho mẹ là để "trả nợ". Trả lời HĐXX về nguồn tiền dùng để trả nợ, Việt trình bày có được từ nhiều nguồn thu khác nhau như: bán các trang thiết bị y tế, thiết bị xét nghiệm, trong đó nguồn thu lớn từ việc bán kit test.
“Vì sao vay từ năm 2008 mà đến năm 2021 bị cáo mới trả”, HĐXX đặt câu hỏi. Lúc này, bị cáo Việt trình bày: “Bị cáo chưa trả vì nguồn tiền nằm hết trong các dự án. Năm 2021 khi có nguồn thu từ kinh doanh kit test thì mới có tiền trả”. Việt khai bản thân không nhớ tổng số tiền từ các nguồn thu khác là bao nhiêu nhưng ước chừng lên đến nghìn tỷ. Nói về nguồn tiền của 2 sổ tiết kiệm đứng tên con, Việt khai, số tiền này là tổng các nguồn thu nhập khác của bị cáo, không phải tiền kinh doanh kit test trong dịch COVID.