Sáng nay 15/5, Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại TP.Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo xin giảm án của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và 10 bị cáo khác liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á).
Trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Long đã nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả của vụ án.
Là người trình bày đầu tiên, bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, thuộc Bộ KH&CN) thừa nhận hành vi phạm tội như phiên tòa sơ thẩm quy kết.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ Khoa học Công nghệ, thừa nhận các hành vi phạm tội của bản thân, không đề nghị làm rõ thêm các tình tiết khác.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hùng.
Bị cáo Hùng khai, sau khi giúp đỡ Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) trong việc sản xuất kit test COVID-19 đã nhận từ Việt 350.000 USD (tương đương hơn 8 tỷ đồng). Đối với số tiền này, tại cấp sơ thẩm, bị cáo và gia đình đã nộp khắc phục gần đủ chỉ còn thiếu 16 triệu đồng.
“Đến hôm nay, tôi cùng gia đình nộp 16 triệu đồng để hoàn thành 100% nghĩa vụ... Ngoài ra, vợ tôi cũng nộp thêm 50 triệu đồng với mong muốn được khắc phục chung vụ án, đây là những tình tiết mới”, ông Hùng nói.
Trình bày về tình tiết xin giảm nhẹ, ông Hùng tự liệt kê nhiều thành tích cá nhân khi còn công tác và liệt kê cả bằng khen, giấy khen bố vợ, của con ông Hùng và mong tòa ghi nhận. Sau khi ông Hùng trình bày, HĐXX cho hay khoản 50 triệu gia đình tự nguyện nộp tại kho bạc nhà nước đã nhận biên lai, tuy nhiên, đây là khoản chưa "có địa chỉ cụ thể", HĐXX do đó đề nghị ông Hùng xác nhận sẽ nộp khắc phục chung trong vụ án này hay vụ án đã được Tòa án Quân sự Thủ đô xử trước đó?, Ông Hùng trả lời “bị cáo muốn nộp chung cho toàn vụ án”; còn vợ ông xin HĐXX cho phép xem lại biên lai rồi mới quyết định.
Phát biểu của hai vợ chồng ông Hùng bị HĐXX đánh giá “cần xem xét lại ý thức khi nộp tiền, bởi tòa luôn ghi nhận ý thức của bị cáo sau khi phạm tội”, khoản tiền nếu không xác định rõ nộp cho vụ án nào thì kho bạc Nhà nước không thể nhận vì không có “địa chỉ cụ thể”.
Trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, sai phạm khiến ông Trịnh Thanh Hùng bị TAND TP.Hà Nội phạt 14 năm tù tội “Nhận hối lộ”; Tòa án Quân sự Thủ đô phạt ông 15 năm tù tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bị cáo Phan Quốc Việt.
Cơ quan tố tụng có buộc, Hùng khai có mối quan hệ thân thiết với Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á). Sau khi Học viện Quân y có văn bản gửi Bộ KH&CN đề xuất thực hiện Đề tài nghiên cứu kit test, với mục đích giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu, được cấp số đăng ký và sản xuất bán ra thị trường, Hùng đã thực hiện các hành vi nhằm mục đích hướng lợi ích cho Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á. Cụ thể, ông Hùng yêu cầu ông Hồ Anh Sơn (cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự) trong đề xuất của Học viện Quân y phải đưa Công ty Việt Á là đơn vị tham gia phối hợp nghiên cứu. Hồ Anh Sơn và Học viện Quân y không đồng ý không được vì họ phụ thuộc vào Hùng. Từ “tác động” của Hùng, Bộ KH&CN có quyết định phê duyệt đề tài, giao Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp, kinh phí thực hiện từ ngân sách Nhà nước.
Quá trình Công ty Việt Á tham gia nghiên cứu Đề tài, Hùng tiếp tục thông đồng với Việt và tham mưu đề xuất bị cáo Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) ký Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu. Đồng thời, Hùng còn tác động giúp Công ty Việt Á được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm định đánh giá chất lượng test xét nghiệm; tác động Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế để Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành.
Công ty Việt Á sau đó được quản lý, đưa vào sản xuất thương mại phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thu lời bất chính 1.235 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 432 tỷ đồng. Quá trình Việt Á sản xuất, tiêu thụ test xét nghiệm, ông Hùng còn thỏa thuận được Việt hối lộ 350.000 USD (hơn 8 tỷ đồng) tại nhà riêng.